"Luật phải khắc phục triệt để tình trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp"

ANTD.VN - Dẫn lại thống kê số cử nhân thất nghiệp từ 191.000 người năm 2016 đến nay đã tăng lên 215.000 người, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng điều này thể hiện chất lượng đào tạo đại học chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng đào tạo chưa cân đối giữa cung và cầu.

Chiều nay 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng sau 6 năm thi hành, Luật Giáo dục đại học 2012 bắt đầu bộc lộ những bất cập, cần được hạn chế, bổ sung kịp thời trên tinh thần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đẩy mạnh tiến trình hội nhập vào hệ thống giáo dục đại học thế giới song vẫn đảm bảo nền giáo dục đại học nhân bản, khai sáng và mang đậm cốt cách văn hóa Việt.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng luật phải khắc phục triệt để tình trạng hơn 200.000 cử nhân ra trường thất nghiệp

Còn đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) đánh giá, sứ mệnh của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều nội dung của Luật Giáo dục đại học 2012 sẽ phải sửa đổi để thực hiện sứ mệnh này, nhưng tựu chung lại việc sửa đổi phải hướng tới mục tiêu là chuẩn đầu ra, có số lượng, cơ cấu phù hợp với nhu cầu xã hội và nhu cầu phát triển của đất nước.

Đi vào góp ý cụ thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng cần khắc phục triệt để tình trạng người có trình độ đại học bị thất nghiệp. Dẫn lại thống kê số cử nhân thất nghiệp từ 191.000 người năm 2016 đến nay đã tăng lên 215.000 người, ông Hàm cho rằng điều này thể hiện chất lượng đào tạo đại học của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng đào tạo chưa cân đối giữa cung và cầu.

Nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc công việc không ổn định do chất lượng đào tạo đại học chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của doanh nghiệp (ảnh minh họa)

"Luật phải hướng tới bất cập này để sửa đổi như quy hoạch mạng lưới giao thông đại học phải gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân sự, khắc phục tình trạng có ngành đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu nhưng có ngành lại đào tạo tràn lan dẫn đến dư thừa nhân lực", đại biểu Hàm kiến nghị.

Góp ý thêm về giải pháp, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP.HCM) kiến nghị: "Nên quy định việc đưa kiến thức khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo, đồng thời phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong môi trường đại học để sinh viên ra trường không chỉ có thể sớm tìm được việc làm tốt mà còn có thể tạo ra việc làm cho xã hội".

Đề cập đến tình trạng số lượng các trường đại học tăng nhanh do các nơi thi nhau mở trường, đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho biết tính đến năm 2020 chúng ta vẫn vượt chỉ tiêu tới 9 trường.

Bàn thêm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lan lưu ý vấn đề mạng lưới các trường đại học cần quy hoạch lại sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất để các trường có thể phát huy cao nhất, tránh trường hợp mở quá nhiều trường đại học trong cùng một khu vực, hay cùng đào tạo một ngành nghề gây dư thừa, lãng phí nguồn lực. 

Cần quy định chặt chẽ hơn với các ngành có yếu tố kỹ thuật cao, thực hành nghề nhiều

Cũng theo bà Lan, luật cần quy định điều kiện mở ngành, không phải ngành nào cũng giống ngành nào, cần xác định một số ngành nghề đặc biệt, các ngành có yếu tố kỹ thuật cao, thực hành nghề nhiều thì cần quy định chặt chẽ hơn. 

“Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để đào tạo bác sỹ thú y, họ đòi hỏi điều kiện rất khắt khe như phải có cơ sở thực hành rất tốt, có bệnh viện thú y để sinh viên thực tập. Còn ở Việt Nam vẫn dễ dãi trong mở ngành đào tạo và cấp phép hành nghề thú y, chưa có quy định riêng, thiết chặt chẽ, gây nên nhiều băn khoăn”, đại biểu Nguyễn Thị Lan dẫn chứng.

Đối với vấn đề tự chủ đại học, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng cần nhìn nhận và xử lý phù hợp, hướng tới làm rõ 3 mục tiêu: tự chủ hoạt động chuyên môn; tự chủ bộ máy, nhân sự; tự chủ tài chính, tài sản.

“Đặc biệt lưu ý tự chủ của các cơ sở đại học công lập, phải phân định rõ điều kiện và mức độ tự chủ. Đồng thời, cần rà soát lại các quy định quản lý tài chính, tài sản của cơ sở đại học công lập vì nhiều điểm chưa phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như  sử dụng tài sản trong liên doanh, liên kết…”, ông Hàm nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục