Lựa chọn bộ sách giáo khoa mới nào để dạy và học?

ANTD.VN - Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) quyết định phê duyệt 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 mới cho 9 môn học và giao quyền tự chủ cho các địa phương lựa chọn sách giảng dạy khiến nảy ra không ít thắc mắc, phát sinh...

Lựa chọn bộ sách giáo khoa mới nào để dạy và học? ảnh 1Dù có nhiều sách giáo khoa, các sách này đều chung “lõi kiến thức” đã được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Chọn sách giáo khoa thế nào cho minh bạch

Ngày 26-11, Bộ GD-ĐT thông tin, năm học 2020-2021 việc chọn sách giáo khoa lớp 1 sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, tức là cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn sách. Bộ đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa và chỉ áp dụng với lớp 1, hiệu lực thi hành đến hết ngày 30-6-2020. 

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Về nguyên tắc, các sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường. Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”. Thành phần hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh là người đứng đầu cơ sở giáo dục, thư ký là tổ trưởng chuyên môn và thành viên hội đồng là giáo viên, phụ huynh học sinh. Phòng GD-ĐT và các Sở GD-ĐT cấp tỉnh sẽ tiếp nhận báo cáo của các trường về lựa chọn sách giáo khoa và công bố rộng rãi.

Từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục sẽ có hiệu lực và việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ thực hiện theo Luật, tức là do UBND cấp tỉnh quyết định. Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo theo tinh thần này, lấy ý kiến các địa phương và nhà khoa học, dự kiến ban hành trong tháng 12. Hiện tại, các nhà xuất bản sách giáo khoa đều đang tích cực đẩy mạnh truyền thông để bán sách. Điều khiến nhiều người lo lắng là làm sao để biết việc lựa chọn sách giáo khoa của địa phương là phù hợp thực tế mà không phải vì thiên vị một đơn vị nào hoặc bị chi phối bởi hoa hồng? 

Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng, để các địa phương lựa chọn được những quyển sách giáo khoa phù hợp nhất cho từng môn học thì việc lựa chọn sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần công khai các ý kiến thẩm định sách giáo khoa và công bố chế bản điện tử của sách giáo khoa trên mạng để phổ biến rộng rãi đến người dân, các chuyên gia, giáo viên có thông tin trước khi chính thức lựa chọn. Theo cách thức này, người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em mình. Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng đi tắt, chạy cửa sau. 

Cần sớm bố trí dạy thử để đánh giá sách giáo khoa

Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ tham mưu UBND TP thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, ban môn học. Sở cũng sẽ có nhiệm vụ tham mưu, xây dựng tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa cho hội đồng này. Sau khi có danh mục sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT phê duyệt, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến, đề xuất việc lựa chọn; thông báo sách giáo khoa được lựa chọn đến giáo viên,  học sinh, phụ huynh; mua sách dùng chung trong nhà trường.

Về phía nhà trường, nhiều hiệu trưởng, giáo viên đều cho rằng, việc thuyết trình sẽ không đủ để đánh giá sách giáo khoa. Ngoài việc tham gia các buổi hội thảo, trao đổi với tác giả các sách giáo khoa mới, thì giáo viên rất cần được trực tiếp tham khảo, xây dựng bài giảng mẫu để được góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những điểm cần lưu ý khi sử dụng sách. Cô Nguyễn Hồng Hạnh - giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết, việc tiếp cận sớm với sách giáo khoa mới và tham dự các tiết dạy mẫu, dạy thử với sự góp ý, rút kinh nghiệm của chuyên gia, đồng nghiệp thì giáo viên có thể yên tâm nghiên cứu thực hiện đổi mới về phương pháp giảng dạy trước khi chính thức tiếp nhận nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa) nói: “Ngay trong năm học này trường chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với các tác giả sách giáo khoa để trao đổi, hướng dẫn một số bài giảng mẫu. Đây sẽ là dịp để giáo viên cọ sát, rút kinh nghiệm, từ đó thấy được những thuận lợi hay khó khăn trong quá trình giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới”.

Về phía học sinh, nhiều phụ huynh lo rằng, nếu mỗi địa phương lựa chọn một bộ sách giáo khoa khác nhau thì khi con em họ phải chuyển chỗ học đến nơi khác sẽ phải học như thế nào? Điều này liệu có gây khó khăn cho học sinh hay không? Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, dù có nhiều sách giáo khoa, các sách này đều chung “lõi kiến thức” đã được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tác giả dù viết sách thế nào, có thể diễn đạt bằng kênh chữ hay kênh hình thì cũng phải đáp ứng nội dung kiến thức trong chương trình. Bởi vậy học sinh khi học sách giáo khoa này, chuyển sang học sách khác sẽ không gặp khó khăn.

Để các địa phương lựa chọn được những quyển sách giáo khoa phù hợp nhất cho từng môn học thì việc lựa chọn sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần công khai các ý kiến thẩm định sách giáo khoa và công bố chế bản điện tử của sách giáo khoa trên mạng để phổ biến rộng rãi đến người dân, các chuyên gia, giáo viên có thông tin trước khi chính thức lựa chọn. Theo cách thức này, người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em mình.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới

Tiến sỹ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông gồm 32 cuốn. Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách. Bộ GD-ĐT đã tiến hành thẩm định các bản thảo sách giáo khoa qua 2 vòng. Trong đó, có 49 bản thảo ở 9 môn học được đề nghị thẩm định. Cụ thể, Tiếng Việt, Toán, Đạo đức mỗi môn 6 bản thảo; Tự nhiên - xã hội 5 bản thảo; Giáo dục thể chất 4 bản thảo; Nghệ thuật (Âm nhạc) 5 bản thảo; Nghệ thuật (Mỹ thuật) 5 bản thảo. Hoạt động trải nghiệm 6 bản thảo. Tiếng Anh 6 bản thảo. Sự khác biệt trong sách giáo khoa mới và sách giáo khoa hiện hành  là sách hiện hành tiếp cận theo hướng nội dung, còn sách mới tiếp cận năng lực học sinh.