Lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân về dự án Luật đặc khu

ANTD.VN - Dự kiến tại phiên họp thứ 26 diễn ra từ 8-8 đến 13-8 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào 7 dự án Luật, nhưng không có dự án Luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt...

Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 8-8 tới (ảnh minh họa)

Theo thông cáo báo chí về nội dung phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có 7 dự án luật sẽ được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đáng chú ý, trong dự kiến chương trình phiên họp tháng 8-2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ trước đó, có nội dung thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu). Nhưng tại chương trình làm việc mới nhất đã không còn nội dung này.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc chưa xem xét dự án Luật đặc khu tại phiên họp thứ 26 nhằm có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia và cử tri, nhân dân một cách thận trọng nhất.

Cũng tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến có 2 nhóm vấn đề được chọn để chất vấn tại phiên họp là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình đảm bảo an ninh trật tự, công tác đấu tranh chống tội phạm, công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với nhóm vấn đề thứ nhất, trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến. Với nhóm vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm sẽ tham gia trả lời chính.