Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình"

ANTD.VN - Năm 1999, Hà Nội vinh dự được trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, đây là sự ghi nhận, đánh giá của cả thế giới về vị thế của Hà Nội cũng như tinh thần, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Hà Nội đón nhận danh hiệu này, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với các cán bộ ngoại giao Việt Nam - những người đã trực tiếp đóng góp công sức vào sự kiện ngày ấy.

Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình" ảnh 1

- PV: Với mỗi đề cử danh hiệu của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), Ủy ban quốc gia UNESCO là cơ quan có nhiệm vụ điều phối các bộ, ban, ngành và các địa phương soạn thảo, đệ trình hồ sơ. Xin được hỏi quy trình lập bộ hồ sơ ứng cử danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” của Hà Nội ngày đó như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Hồi - nguyên Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO: Dù mọi việc đã diễn ra cách đây 20 năm, nhưng tôi còn nhớ rất rõ. Giữa thập niên 1990, UNESCO khởi xướng chương trình văn hóa hòa bình. Trong chương trình này, UNESCO đã đề ra giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”. Việt Nam đã nghiên cứu các tiêu chí của giải thưởng, nhân dịp Thủ đô hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ý tưởng đưa ra là tại sao không đưa Hà Nội vào danh sách ứng cử “Thành phố vì hòa bình”? Vậy là quyết sách quan trọng được đưa ra, chúng ta sẽ đăng ký ứng cử giải thưởng này. Ủy ban quốc gia UNESCO phối hợp với Sở Ngoại vụ Hà Nội xây dựng đội ngũ triển khai làm hồ sơ, tờ trình và được Chính phủ phê duyệt, sau đó đệ trình lên UNESCO.

“Thành phố Hà Nội có những thành công ấn tượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khôi phục di tích, hỗ trợ giao lưu văn hóa nghệ thuật, quảng bá thủ công truyền thống, cải thiện dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và tạo ra không gian xanh. Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng đến giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ như một  ưu tiên trong chính sách phát triển. Hà Nội đã thể hiện cách tiếp cận toàn diện và nhân văn khi giải quyết các vấn đề mà các thành phố khác trên thế giới đều chịu tác động và tiếp tục làm việc kiên quyết để cải thiện chất lượng cuộc sống của 2,5 triệu dân”.

Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor (phát biểu tại Lễ trao giải Thành phố vì hòa bình tại La Paz, Bolivia ngày 16-7-1999)

Để làm tiền đề cho việc này, chúng ta đã vận động để được UNESCO đưa Hà Nội vào danh sách những thành phố có kỷ niệm đặc biệt. UNESCO quy định, thành phố ứng cử phải có lịch sử 200 năm trở lên, trong khi đó Hà Nội của chúng ta có tới 990 năm lịch sử. Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa UNESCO khi đó, Hà Nội là trường hợp chưa có tiền lệ khi lọt vào danh sách này.

Sau đó, chúng ta tổ chức đoàn đi vận động trước cuộc họp Đại hội đồng UNESCO về giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”. Với sự quyết tâm cao của Hà Nội cũng như Bộ Ngoại giao, công tác vận động thu được kết quả tốt. Và đến ngày 13-7-1999, Việt Nam đã được UNESCO thông báo Hà Nội chính thức được nhận giải “Thành phố vì hòa bình”.

- Trở lại thời điểm năm 1999, bối cảnh và động lực nào để Hà Nội tham gia đề cử danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, vì lúc đó chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu công cuộc đổi mới và quá trình hội nhập cũng chưa sâu rộng?

- Ông Trịnh Đức Dụ - nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhiệm kỳ 1996-2000: Chúng ta kết thúc chiến tranh năm 1975, đất nước chỉ thực sự hòa bình sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia năm 1991. Tính đến thời điểm năm 1999, Việt Nam mới có 13 năm đổi mới, 4 năm được Mỹ xóa bỏ cấm vận và cũng từng ấy năm gia nhập ASEAN (năm 1995). Kể những điều ấy để thấy, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng khi đó ở bối cảnh rất khó khăn, bề bộn.

Bên cạnh đó, phải nhắc lại rằng, năm đó số lượng ứng cử giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO có tới 70 hồ sơ, trong đó rất nhiều ứng cử viên sáng giá như Pháp, Hà Lan, Italia, Nhật Bản, Ấn Độ… Quy chế giải thưởng là 5 châu lục, mỗi châu lục được 1 giải thưởng duy nhất. 

Khi có quyết sách tham gia giải thưởng này có nhiều ý kiến trái chiều. Có người còn nghĩ tại sao chúng ta dám ra ứng cử? Tuy nhiên, dựa trên mục đích, mục tiêu của giải thưởng cũng như tiêu chí đề ra, chúng ta thấy hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí. Và quan trọng, giải thưởng phù hợp với mục tiêu, hướng phát triển của đất nước ta là quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy hội nhập, mở rộng quan hệ. Việc ứng cử cũng có nhiều thuận lợi, bởi Việt Nam là thành viên tích cực của UNESCO. Trước đó, UNESCO cũng từng vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Hay trước đó, nhà thơ Nguyễn Du đã được vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. 

Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình" ảnh 2Cựu Đại sứ Trịnh Đức Dụ (thứ ba từ trái sang) và cựu nữ Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Nguyễn Thị Hồi cùng đại diện UNESCO và TP Hà Nội nhân dịp 20 năm Hà Nội được tôn vinh “Thành phố vì hòa bình” 

- Bà Nguyễn Thị Hồi: Phải nói thêm, Việt Nam đã mất cả thập kỷ bao vây cấm vận, trong khi việc chúng ta giúp đỡ Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng vẫn bị hiểu lầm là hành động xâm lược. Khi ra quyết sách ứng cử giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”, chủ trương của chúng ta là tạo ra hình ảnh đúng về Việt Nam, về cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta, một dân tộc luôn khát vọng hòa bình. Vì thế, sự kiện này mang ý nghĩa chính trị - đối ngoại quan trọng của đất nước, cũng góp phần tạo đà cho các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Bên cạnh việc nộp hồ sơ ứng cử thì còn một yếu tố quan trọng là vận động quốc tế. Quá trình vận động này hẳn có những câu chuyện mà chắc phải là “người trong cuộc” mới biết?

- Bà Nguyễn Thị Hồi: Khi đó, đoàn Việt Nam đã tổ chức một đoàn đi vận động tại cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO ở Paris. Dẫn đầu đoàn khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Nguyễn Dy Niên. Tôi với tư cách là Tổng Thư ký của Ủy ban quốc gia UNESCO cùng tham gia chuyến đi đó. Chúng ta đã vận động bằng cách thắt chặt thêm quan hệ hợp tác với UNESCO bằng Biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giữa đôi bên. Bên cạnh đó, Ủy ban quốc gia UNESCO cũng đề xuất Chính phủ tặng ngài Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor Huân chương Hữu nghị và nghĩ đến một món quà tặng sao cho thật ấn tượng. Món quà được chọn là bức tượng Phật Bà Quan Âm giả cổ, mang triết lý hướng về hòa bình của Phật giáo, đồng thời giới thiệu Hà Nội đã tổ chức rất tốt các hoạt động hưởng ứng Chương trình văn hóa hòa bình của UNESCO. 

Có thể nói, qua việc đó cũng như quá trình làm Đại sứ Việt Nam tại Áo và Canada sau này, tôi nghiệm ra một điều, để đi tới thành công thì biện pháp vận động (lobby) rất quan trọng. Đó là tùy theo vai trò, vị trí của đối tượng mà ta có biện pháp thích hợp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ. Lần này, không thể không kể đến vai trò của ngài Tổng Giám đốc UNESCO.

Ngài Federico Mayor khi đó sắp hết nhiệm kỳ nên cũng muốn ghi dấu ấn, đưa ra quyết định thể hiện ý chí của mình. Nhưng trên hết, ông là người rất có cảm tình với Việt Nam. Bên cạnh đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn trong, ngoài của các bên liên quan. Ví như trong nước, chúng ta cũng vận động các vị Đại sứ tại Hà Nội, hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với UBND TP Hà Nội. Còn ở bên ngoài, phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh UNESCO, một số bà con Việt kiều tại UNESCO cũng tích cực tham gia vận động.

- Ông Trịnh Đức Dụ: Đúng vậy, trong khi trong nước tích cực các hoạt động vận động, chúng tôi ở Paris sau khi nhận được chỉ thị đã nhận thấy việc này vô cùng ý nghĩa nên đã đem hết tình cảm, tâm huyết để hoàn thành. Biên chế cả Phái đoàn thường trực Việt Nam tại UNESCO lúc đó có 2 người, nhưng chúng tôi cũng cố gắng hết sức, tranh thủ sự yêu mến, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là khối Cộng đồng Pháp ngữ, các quan chức của UNESCO.

Nội dung các cuộc vận động khi đó nhấn mạnh, trước đây thế giới nhắc đến Việt Nam là hình ảnh của chiến tranh, nhưng không phải, đất nước Việt Nam có lịch sử đấu tranh  giành độc lập, tự do. Dân tộc ta luôn khao khát hòa bình, có tinh thần yêu chuộng hòa bình và truyền thống hòa hiếu. Trong những câu chuyện đó, chúng tôi đan xen kể về truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm, về Hà Nội có nghìn năm lịch sử, là nơi có trường đại học đầu tiên từ thế kỷ 11...

Bất kỳ câu chuyện nào đưa ra cũng cần sự chân thật nhưng thuyết phục và chạm đến trái tim người nghe. Có một câu chuyện vui, ngày 13-7-1999, UNESCO mới chính thức thông báo Hà Nội giành được giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” nhưng trước đó, chúng tôi đã trải qua những khoảnh khắc nghẹt thở chờ đợi kết quả của cuộc họp bình xét tại Đại hội đồng UNESCO ngày 6-7-1999.

Khi đó, tôi có dặn một nữ cán bộ của UNESCO ngồi dự họp rằng có tin gì thì báo ngay. Về mặt ngoại giao thì điều này không được phép, nhưng khi vừa có kết quả, bà ấy đã gọi điện ngay: “Xin thông báo cho ngài Đại sứ, Hà Nội đã được giải”. Khi đó tôi cảm thấy vỡ òa vì sung sướng.

Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình" ảnh 3Giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” như một thông điệp giúp bạn bè quốc tế hiểu được khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam

- Vậy là đúng như mong đợi, Hà Nội đã giành được giải thưởng vô cùng ý nghĩa và hoàn toàn xứng đáng?

- Ông Trịnh Đức Dụ: Đúng vậy. Việc Hà Nội được trao giải thưởng lúc đó có ý nghĩa rất quan trọng. Trước đó, Hà Nội đã được tôn vinh là thành phố anh hùng vì những hy sinh, cống hiến trong cuộc chiến tranh, nhưng đó chỉ là ở trong nước. Còn giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” là sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với Hà Nội và cả Việt Nam. Nó như một thông điệp giúp bạn bè quốc tế hiểu được khát vọng hòa bình của dân tộc, hiểu rằng Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từ đó mở ra quan hệ giao lưu, phát triển hợp tác thương mại đầu tư du lịch. 

- Bà Nguyễn Thị Hồi: Đợt tháng 2-2019, Hà Nội tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, tôi cảm thấy rất vui vì danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” 20 năm trước là một tiền đề để Thủ đô Hà Nội được chọn tổ chức sự kiện lịch sử này. Rõ ràng Hà Nội là một trong những điểm sáng về hòa bình và phát triển nên mới được chọn để tổ chức hội nghị và tiếp tục đóng góp cho việc xây dựng, kiến tạo cho hòa bình thế giới. Quả thực, 20 năm về trước, chúng tôi đã nỗ lực hết mình đóng góp tâm huyết, nhiệt huyết để Hà Nội giành được giải thưởng này, nhưng không ngờ những thành quả từ ngày đó vẫn có ý nghĩa cho hậu thế.

Nhạc sĩ Phú Quang: “Tìm thấy sự bình yên khi sống ở Hà Nội” 

Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình" ảnh 4

Tôi từng vào TP.HCM sống và làm việc trong suốt 25 năm, song rốt cuộc vẫn quay về Hà Nội. Khi tôi quyết định trở ra Hà Nội, nhiều người ngạc nhiên và thắc mắc: “Sao đang ở trong Nam thành công thế lại dứt khoát đòi về?”. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình chọn về vì nhớ quá.

Hà Nội với tôi là quê hương, mà chỉ có ở quê hương thì mình mới thấy thoải mái nhất. Mà thật ra, chẳng riêng gì tôi chọn ở lại vì yêu Hà Nội mà những người gắn bó với nơi này, nhất là sinh ra và lớn lên ở đây đều thế. Tôi lúc nào cũng yêu mảnh đất này, vì đây là nơi tôi lớn lên và trải qua tất cả những vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống, thành ra lúc nào cũng yêu và đi xa là nhớ. Hà Nội với tôi luôn thân thương và gần gũi. Ở nơi này, tôi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. 

Có thể đôi khi tôi quan niệm hơi cực đoan, ví dụ nhìn những chiếc lá thì ở đâu chẳng thế, cũng xanh màu xanh ấy, nhưng tôi cứ thấy hình như chiếc lá ở Hà Nội xanh hơn những nơi khác, nhìn ngắm nó trên đường trở về nhà cảm giác thấy thân thương vô cùng. Có thể còn bởi ở Hà Nội tôi được sống trong vòng tay người thân, bè bạn với rất nhiều tình cảm yêu thương, quý mến nữa. Tới giờ tôi vẫn ở căn nhà cũ bình yên nằm ở gần đê sông Hồng mà mình đã gắn bó suốt mấy mươi năm qua, tôi vẫn nói vui nơi mình ở là đất “đế vương”, tức là “vướng đê”.

Quãng thời gian đi xa Hà Nội, tôi vẫn luôn thường trực nỗi nhớ và khao khát quay về. Hà Nội những năm gần đây nhiều thay da đổi thịt, mới hơn, hiện đại hơn, phát triển và hội nhập hơn. Có điều tình người vẫn thế, vẫn thân thương và trìu mến như xưa. Có lẽ bất cứ ai sống ở đây, hoặc du khách ở nơi khác đến đây đều sẽ cảm nhận được rõ rệt sự bình yên - điều mà thành phố của chúng ta vẫn nỗ lực xây dựng và hướng tới.

NSND Lê Tiến Thọ: “Cái tình của người Hà Nội bất biến theo thời gian” 

Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình" ảnh 5

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thanh Hóa, nhưng từ năm 13 tuổi đã rời quê hương ra Hà Nội. Tính tới nay, tôi đã có 55 năm gắn bó với nơi này và xem đây như quê hương thứ hai của mình. Với những người nghệ sĩ như chúng tôi, Hà Nội là trái tim của cả nước mà mỗi nhịp đập đều mang hơi thơ của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa.

Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà Hà Nội được trao tặng từ 2 thập kỷ trước đây là minh chứng rõ nét cho thấy đây thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách đối với cả du khách trong nước lẫn bạn bè quốc tế. Cách đây hơn 30 năm, tôi từng có vinh dự được tham gia Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội (khóa 1985-1990) và có dịp đóng góp phần nào sức nhỏ của mình trong việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa quy mô, có ý nghĩa lớn lao trên địa bàn thành phố. Hà Nội là nơi mà tôi gắn bó sâu đậm với rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc và hoạt động nghệ thuật. 

Lớn lên và trưởng thành ở mảnh đất này, tôi tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Chúng ta đã có truyền thống vẻ vang của Thủ đô nghìn năm văn hiến, nghìn năm tuổi, nơi hội tụ những giá trị tinh hoa về văn hóa, lịch sử cũng như những hoạt động trong suốt thời kỳ phát triển của đất nước, tạo ra những dấu ấn hết sức sâu đậm trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa.

Dấu ấn sâu đậm ấy đã tạo ra trí tuệ người Thủ đô, mở mang một Thủ đô rực rỡ về mọi mặt. Đấy là những điều hết sức đáng tự hào và vui mừng. Nhất là khi nơi đây vẫn là địa điểm xứng tầm để tổ chức rất nhiều kỳ cuộc, sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Trong đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường phát triển vừa qua vẫn là văn hóa thanh lịch và mến khách của người Tràng An. Mặc dù để tạo được bức tranh diện mạo đô thị hiện đại và hài hòa là cả một bài toán phức tạp, song cái tình của người Hà Nội vẫn giữ được, trở thành giá trị trường tồn và bất biến theo thời gian, 

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh: “20 năm gần đây, Hà Nội thay đổi kỳ diệu”

Kỷ niệm 2 thập niên trước: Thuyết phục thế giới vinh danh Hà Nội "Thành phố vì hòa bình" ảnh 6

Tuy không sinh ra ở Hà Nội, song tôi đã dành cả cuộc đời gắn bó với nơi đây. Tôi đã làm một số phim về Hà Nội, nhưng vẫn còn đau đáu món nợ với mảnh đất này mà mình thấy vẫn chưa trả hết. Hiện, tôi đang thực hiện một bộ phim truyện chiếu rạp có tên là “Hoa Nhài” nói về tầng lớp bình dân của Hà Nội hôm nay, mối quan hệ giữa người Hà Nội và những người ở các vùng nông thôn lân cận lên Hà Nội kiếm sống.

Tôi muốn ngợi ca cái chất “hoa nhài” trong những con người Hà Nội, đặc biệt là truyền thống nhân ái của họ. Tôi làm bộ phim này hoàn toàn vì tình yêu dành cho Hà Nội. Đây sẽ là bộ phim khép lại sự nghiệp sáng tác hơn 60 năm của tôi trong điện ảnh.

Tôi gắn bó với Hà Nội suốt từ năm 1957 tới nay, không một ngày rời xa nó, chứng kiến mọi vui buồn, mọi vinh quang cũng như khổ đau của thành phố này. Tôi có mặt suốt 12 ngày đêm khi B52 của Mỹ ném bom Hà Nội. Do đó lại càng hiểu sâu sắc ý nghĩa của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà thế giới đã tặng cho thành phố của chúng ta. Sự thay đổi của Hà Nội trong vòng 20 năm gần đây thật kỳ diệu.

Trước đây có nằm mơ cũng không ai hình dung nổi. Nhà cao tầng mọc lên với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần một tháng đi xa là ta không còn nhận ra chốn cũ. Tôi mong Hà Nội phát triển văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được những vẻ đẹp truyền thống, đặc biệt trong kiến trúc. Không chỉ vậy, tôi cũng mong Hà Nội đẹp từ những điều rất nhỏ bé, như phát động phong trào không vứt rác ra đường, làm xanh, sạch, đẹp Thủ đô. 

Vân Quế (Ghi)

Là dịp để quảng bá Thủ đô Hà Nội

Tháng 7-1999, Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, xây dựng Hà Nội thành một thành phố hiện đại, đậm đà bản sắc, giữ vững danh hiệu cao quý được UNESCO trao tặng. Hai thập kỷ đã trôi qua, Hà Nội đã chứng tỏ mình xứng đáng với danh hiệu ấy bằng những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Cũng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, cuối tháng 2-2019, thành phố được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Đây là niềm tự hào của Thủ đô, cũng là dịp để quảng bá đến toàn thế giới hình ảnh tươi đẹp về một đất nước, con người Việt Nam văn hiến, văn minh, một Thủ đô vì hòa bình.

Việc tổ chức thành công sự kiện trên cũng cho thấy Hà Nội đáp ứng đủ các yếu tố cả về ngoại giao, điều kiện cơ sở vật chất, cũng như bảo đảm công tác an ninh để tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng. Qua sự kiện này cả thế giới cũng thấy được sự thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô. Có thể nói, uy tín của Hà Nội ngày càng tăng lên trong cộng đồng quốc tế, có đóng góp tích cực cho nền hòa bình trong khu vực và thế giới, là điểm đến an toàn, thân thiện.

Anh Phan Hà Anh, (Khu đô thị Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Nhìn vào các vị nguyên thủ ăn bún chả, uống bia, đi bộ phố cổ...

Từ lâu, Hà Nội đã là một điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Giờ đây, sau dấu ấn sâu đậm từ việc đăng cai các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế thành công, Hà Nội càng tạo ấn tượng mạnh mẽ, tốt đẹp đối với bạn bè khắp năm châu. Chỉ cần nhìn vào hình ảnh các vị nguyên thủ đến từ các quốc gia khác ăn bún chả, uống bia Hà Nội, đi bộ quanh hồ Gươm, phố cổ… là có thể thấy Hà Nội an toàn và bình yên đến mức nào.

Trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thời gian qua, Hà Nội đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Nhiều học sinh Thủ đô đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội dù chỉ chiếm 1% về diện tích,  hơn 8% về dân số, song đóng góp trên 16% GDP của Việt Nam, là trung tâm hành chính, kinh tế của Việt Nam. Hà Nội đã tạo một môi trường sống yên bình, cởi mở và là nơi ươm mầm cho sự phát triển. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” không chỉ là vinh dự mà còn là thách thức lớn. Trải qua 20 năm, Thủ đô Hà Nội đã và đang không ngừng xây dựng, phát triển để xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và niềm tin yêu của nhân dân cả nước, trở thành điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Giang (quận Hà Đông, Hà Nội)

Hà Nội đã đổi thay từng ngày về mọi mặt

Sống xa quê hương gần15 năm và dù thi thoảng vẫn về thăm gia đình nhưng mỗi lần về Việt Nam, đặc biệt là khi ra Hà Nội, tôi luôn thấy rất vui. Bởi Thủ đô của chúng ta dường như thay đổi từng ngày với diện mạo vừa giữ được vẻ cổ xưa lại vừa mang dáng dấp của sự hiện đại, khang trang. Bên cạnh những con phố cổ, nhà cổ ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung, Ba Đình và những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm thì giờ đây Hà Nỗi đã có thêm rất nhiều những tòa chung cư cao tầng; những trung tâm thương mại đẳng cấp; những tòa cao ốc “trọc trời” và mỗi ngày lại có thêm những con phố hoặc cây cầu vượt đường bộ mới hiện ra. 

Tôi còn nhớ như in gần 20 năm trước, khu vực quận Cầu Giấy nói chung và khu vực các con phố Trần Duy Hưng, Trung Kính, Khuất Duy Tiến hay Phạm Hùng... nói riêng vốn là một đại công trường xây dựng ngổn ngang thì nay chẳng khác nào các khu đô thị của những nước phát triển trên thế giới. Về Việt Nam lần này đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm ngày được công nhận là “Thành phố vì hòa bình” tôi còn được biết tới đây chúng ta sẽ nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông. Quy định này chắc chắn sẽ góp phần làm cho giao thông Hà Nội quy củ, trật tự và an toàn hơn. Ở khía cạnh trật tự hành chính công, tôi cũng cảm nhật rất rõ là đã có những bước tiến vượt bậc khi Thủ đô luôn đi đầu trong cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà và vận hành hiệu quả cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính.

Anh Trịnh Văn Hưng (Việt kiều Liên bang Nga)