Kiến nghị cho phép nhà khoa học nước ngoài có đóng góp được ưu tiên sở hữu nhà tại Việt Nam

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội kiến nghị cần quy định cụ thể hơn về đối tượng người nước ngoài và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam theo hướng phân loại đối tượng, mục đích nhập cảnh nào thì được sở hữu nhà; có thể ưu tiên nhà khoa học, người đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Toàn cảnh buổi làm việc

Sáng 19-3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn TP.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đồng chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Hà Nội du lịch, đầu tư, làm việc, học tập.

Năm 2018, số người nước ngoài khai báo tạm trú tăng gấp 2 lần so với năm 2014, trong đó 70% là khách du lịch. Tổng thu từ khách du lịch của thành phố hằng năm ước đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng. 

Với môi trường chính trị ổn định, sự đồng bộ giữa Luật đầu tư và Luật xuất nhập cảnh đã góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư. Đến nay, Hà Nội đã thu hút được 4.375 dự án đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài và tổng số vốn tăng dần qua từng năm...

Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng liên tục. Hà Nội được xếp hạng là 1 trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định của pháp luật, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục cấp giấy tờ có liên quan đến người nước ngoài; chủ động phối hợp trong công tác quản lý, nắm tình hình, hướng dẫn kiến thức pháp luật và thủ tục xuất nhập cảnh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với người nước ngoài và các cá nhân, tổ chức liên quan.

Sự phối hợp giữa lực lượng quản lý xuất nhập cảnh và công an các quận, huyện, thị xã trong tiếp nhận, quản lý, khai thác thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn thành phố đạt được thành tích nổi bật, được Bộ Công an đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về số lượng và tỷ lệ người nước ngoài được khai báo tạm trú qua internet...

Hà Nội cũng nêu vấn đề một số nội dung liên quan đến Luật Xuất nhập cảnh còn chưa rõ ràng, cụ thể. Trong đó, các quy định về việc tạm trú của người nước ngoài còn sơ sài; quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần làm rõ...

Để tạo thuận lợi hơn trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng điện tử, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm hoàn thiện phần mềm khắc phục các lỗi hiện nay.

UBND thành phố cũng kiến nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý lao động nước ngoài; quy định cụ thể về điều kiện sở hữu nhà; về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự theo hướng bổ sung chế tài xử lý một số hành vi vi phạm, nhưsử dụng thị thực hoạt động sai mục đích nhập cảnh, không khai báo tạm trú...

UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị cần quy định cụ thể hơn về đối tượng người nước ngoài và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam theo hướng phân loại đối tượng, mục đích nhập cảnh nào thì được sở hữu nhà, có thể ưu tiên nhà khoa học, người đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao thực hiện quy định chuyển thông tin khai báo tạm trú người nước ngoài diện đăng ký tại Bộ Ngoại giao cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh CATP để tạo thuận lợi và quản lý tốt hơn...