Khuyến khích hoà giải tại toà, nhưng nhà nước hay người dân sẽ trả lệ phí?

ANTD.VN - Về kinh phí cho công tác hoà giải, đối thoại tại toà án, một số đại biểu cho rằng nên quy định nhà nước chi trả, trong khi có ý kiến đề xuất nhà nước và nhân dân cùng chia sẻ nghĩa vụ này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề xuất quy định theo hướng nhà nước và người dân cùng có trách nhiệm chi trả lệ phí công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án

Chiều 19-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Nhà nước hay người dân trả lệ phí hoà giải tại toà?

Thảo luận về dự án Luật hoà giải, đối thoại tại toà án, Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết việc ra đời luật nhằm góp phần giải quyết một bất cập hiện nay là biên chế ngành toà án ngày càng giảm, trong khi số vụ án ngày một tăng, số liệu thống kê từ năm 2015 tới nay cho thấy chỉ riêng Hà Nội trung bình mỗi năm tăng 2.000 vụ việc.

“Hiệu quả của hoà giải rất cao, vừa giảm chi phí, thời gian đi lại của người dân, đồng thời giảm áp lực cho cán bộ ngành toà án”, ông Chính nhấn mạnh.

Bàn về kinh phí hoà giải, đối thoại tại toà án hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau, ông Chính kiến nghị cân nhắc quy định nhà nước và người dân cùng chi trẻ lệ phí hoà giải, bởi nếu quy định như dự thảo luật có thể tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, trong bối cảnh ngành toà án đang phải cắt giảm biên chế.

Trong khi đó, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Đào Tú Hoa lại đồng tình với phương án quy định nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác này, bởi theo bà, đây là cơ chế hoà giải có nhiều ưu điểm, là phương thức mới nên cần có thời gian đi vào thực tế đời sống và khuyến khích người dân lựa chọn.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hoà giải viên, bà Hoa cho rằng Hoà giải viên phải đáp ứng tiêu chí có ít nhất 10 năm công tác, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn nhất định để có thể đưa ra lập luận, phương án để các bên lựa chọn, bởi các vụ việc cần hoà giải có tính chất rất phức tạp.

Nên bổ sung tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự

Bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự” như dự thảo luật.

Ông Hà đưa ra 5 lý do, trong đó nhấn mạnh việc bổ sung quy định này sẽ giúp cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thêm thẩm quyền trong xử lý tham nhũng chức vụ, xảy ra trong hoạt động tư pháp, giải quyết án đúng thời hạn.

Thực tế cho thấy có trên 80% các vụ án do cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra có liên quan đến thu thập, giám định chứng cứ, dữ liệu điện tử chứa trong máy tính, điện thoại, camera… Mặt khác, rất nhiều vụ án chỉ có lời khai của người tố cáo kèm chứng cứ dữ liệu điện tử có chữa dữ liệu ghi âm, ghi hình việc nhận hối lội.

“Vì vậy, công tác giám định âm thanh, hình ảnh có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá chứng cứ, đặc biệt trong việc chứng minh có tội hay không có tội đối với nhóm đối tượng tham nhũng, cũng như thu hồi tài sản do tham nhũng mà có”, ông Hà nói.

Điều 6. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao. 

3. Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 

(Trích dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án)