Không quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân khi chưa được đồng ý: Tạo môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực

ANTD.VN - Đại diện Ban tiếp công dân TP Hà Nội khẳng định, nội quy không cho phép công dân quay phim, chụp ảnh khi chưa được người tiếp công dân đồng ý nhằm tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực cho cả công dân và cả người tiếp công dân, để cùng nhau hoàn thành buổi tiếp với không khí nghiêm túc, văn minh, lịch sự, hiệu quả.

Ngày 3/1/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố, trong có quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Trao đổi về quy định nói trên, ông Lê Đình Cung, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tiếp công dân TP Hà Nội cho biết, nội quy này được ban hành dựa trên Điều 12 của Luật tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội dung, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Nội quy không ảnh hưởng gì đến 6 quyền theo quy định của Điều 7 Luật tiếp công dân.

Buổi tiếp công dân cần sự chặt chẽ, đúng mực cho cả công dân và cả người tiếp công dân (ảnh minh họa)

Ông Lê Đình Cung cho rằng, nội quy này phù hợp với nghĩa vụ của công dân, cũng theo khoản 2, Điều 7 của Luật tiếp công dân. Nghĩa vụ của công dân là đến bất kỳ cơ quan Nhà nước nào phải chấp hành nghiêm túc quy định của cơ quan đó. Nếu công dân sợ nếu không ghi âm, ghi hình sẽ mất bằng chứng thì có thể yên tâm rằng, sau buổi tiếp, công dân được nhận phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp giữa người tiếp và công dân.

“Trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc, và nội dung làm việc của công dân, ghi nhận đã nhận đơn của công dân. Còn trong nhiều trường hợp khác, ví dụ công dân đi thành đoàn có nhiều nội dung khác nhau thì chúng tôi sẽ lập biên bản. Cán bộ lập biên bản có sự đồng thuận của cả hai bên thể hiện bằng chữ ký.

Sau đó biên bản sẽ được đóng dấu. Đây là một quy trình chặt chẽ. Vì thế, không thể nói không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”- ông Lê Đình Cung nhấn mạnh.

Ngoài ra, trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội cũng đã bố trí camera ghi hình, có lưu hình ảnh. Mục đích để kiểm soát an ninh trật tự trong cơ quan hành chính; để giám sát cán bộ tiếp công dân trong thực thi công vụ của mình. Ngoài hệ thống camera giám sát còn có cả hộp thư tiếp nhận góp ý của công dân sau buổi tiếp.

Ông Lê Đình Cung cho biết: “Trong một số trường hợp, chúng tôi phải vất vả hơn vì có một vài công dân đến không phải với mục đích thực hiện quyền của mình mà với nhằm để ghi hình, livestream ra ngoài. Họ vừa nói chuyện, vừa giơ máy điện thoại vào mặt người tiếp dân, vừa phát trên mạng xã hội và còn nói “Mọi người thấy thế nào”. Những sự việc như vậy tạo ra bầu không khí căng thẳng không cần thiết, làm gián đoạn buổi tiếp, làm ảnh hưởng đến công dân khác vì họ đang đợi đến lượt tiếp”.

Ông Lê Đình Cung cũng nhìn nhận, công tác tiếp dân cực kỳ vất vả, không ít trường hợp bị xúc phạm, tạo ra ức chế trong buổi tiếp và làm gián đoạn buổi tiếp.

“Nội quy này có mục đích tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực cho cả công dân và cả người tiếp công dân, để cùng nhau hoàn thành buổi tiếp với không khí nghiêm túc, văn minh, lịch sự, hiệu quả.

Công dân được nói hết yêu cầu của mình, được tư vấn để thực hiện đúng luật khiếu nại, tố cáo; cán bộ thì ghi nhận hết ý kiến công dân và có phương án xử lý sau buổi tiếp và thời gian tiếp phù hợp nhất để còn tiếp người khác” - ông Lê Đình Cung khẳng định.

Liên quan đến một số ý kiến lo ngại về việc không cho ghi âm, ghi hình sẽ cản trở việc người dân thu thập chứng cứ nếu họ phải khởi kiện hành vi thực thi công vụ của cán bộ tiếp dân, ông Lê Đình Cung cho rằng, thực ra đối tượng để người dân khởi kiện không phải thái độ của người tiếp dân.

Người dân chủ yếu muốn biết lời nói của họ có được cán bộ tiếp ghi đầy đủ không; cán bộ có báo cáo với cấp trên để xử lý không... “Kiểu gì chúng tôi cũng làm được việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo... của người dân đến cấp có thẩm quyền. Có thể một trường hợp cụ thể nào đó, người dân chưa hài lòng về thái độ cán bộ tiếp dân thì có thể phản ánh trực tiếp tới lãnh đạo hoặc thông qua nhiều phương tiện giám sát khác như hộp thư, camera... để cấp trên có thể chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời”, ông Lê Đình Cung chia sẻ.