Không để tình trạng mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chỉ để đối phó

ANTD.VN - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý việc tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định dự thảo luật để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ.

Chiều 20-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; đồng thời tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 7) theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề nghị của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và xác định đây là trách nhiệm trong quá trình hoạt động của chủ thể này. 

Báo cáo thẩm tra cho rằng, mục đích của quy định này theo tờ trình của Chính phủ là để yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có biện pháp bảo đảm về tài chính trong quá trình hoạt động, từ đó góp phần bảo đảm tính an toàn của thị trường kinh doanh bảo hiểm. 

"Tuy nhiên, nếu dự thảo luật chỉ yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì sẽ không bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của yêu cầu về bảo đảm tài chính của chủ thể kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức bảo hiểm rất thấp để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ", ông Nguyễn Khắc Định lưu ý. 

Về sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. 

Cho ý kiến về quy định bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện chi phí hợp lý để thuê luật sư, bồi thường thiệt hại do hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc bổ sung quy định này để nội luật hóa cam kết tại một số điều của Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nếu không được xác định hoặc giải thích trong dự thảo luật sẽ dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật và không minh bạch trong hệ thống pháp luật. 

Do đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định nguyên tắc xác định hành vi lạm dụng thủ tục hoặc giải thích thuật ngữ “lạm dụng thủ tục” làm cơ sở cho Tòa án nhân dân xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí hợp lý thuê luật sư trong trường hợp này.

Trước đó, trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết, bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12-11-2018.

Theo kế hoạch, ngày 31-5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, trước khi biểu quyết thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp (14-6).