Không để đường thẳng của biểu đồ dịch Covid-19 cong trở lại

ANTD.VN - Cho tới nay, Việt Nam đã thành công trong việc phòng chống Covid-19 khi không để dịch bệnh bùng phát, lây lan tại cộng đồng. Song, chúng ta vẫn phải hết sức cảnh giác, không được lơ là chủ quan, triệt để ngăn ngừa “giặc” Covid-19 quay trở lại gây họa.

Không để đường thẳng của biểu đồ dịch Covid-19 cong trở lại ảnh 1Kiểm soát tốt dịch Covid-19 đã giúp chúng ta khôi phục nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh 

Tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả

Đã có những ý kiến đặt vấn đề rằng, liệu Việt Nam đã đủ điều kiện để công bố hết dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) hay chưa? Những ý kiến này được nêu khi Việt Nam tròn 28 ngày qua (từ 16-4 đến hết 14-5) đã không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới nào trong cộng đồng.

Tất nhiên, việc công bố hết dịch truyền nhiễm nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao) như dịch Covid-19 được pháp luật quy định cụ thể. Theo đó, việc công bố hết dịch phải đáp ứng các điều kiện như: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định; đáp ứng điều kiện khác với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

Dịch bệnh Covid-19 có thời gian ủ bệnh 14 ngày và sau thời gian 28 ngày không phát hiện ca nhiễm mới là cơ sở để có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, hiện nước ta hiện vẫn còn những ca bệnh Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế nên chưa đủ điều kiện. Sau này, kể cả trong trường hợp không còn ca bệnh Covid-19 nào phải điều trị, nhưng nếu còn nguy cơ lây nhiễm thì cũng vẫn cân nhắc việc công bố hết dịch. Hiện nay, ngoài những người nhập cảnh theo đường hàng không được cách ly ngay thì vẫn có thể có những người “nhập cảnh chui” qua đường mòn, lối mở, không được kiểm soát. Đây vẫn có thể là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ vào ngày 1-4-2020 đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc và người đứng đầu Chính phủ cũng cũng sẽ công bố hết dịch trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế. Giới chuyên môn cho rằng, nước ta chỉ nên công bố hết dịch Covid-19 khi đã hết ca nhiễm, đồng thời không còn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Bên cạnh lý do đã qua 28 ngày mà nước ta không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, cũng có ý kiến đặt vấn đề công bố hết dịch để những hoạt động lưu thông, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trở lại bình thường hoàn toàn. Hiện dù đã nới lỏng giãn cách xã hội khi mà dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, nhưng còn một số lĩnh vực dịch vẫn phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch. Công bố hết dịch là điều mà tất cả chúng ta đều mong mỏi, tuy nhiên chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng phải đảm bảo thật sự hết dịch, đảm bảo dịch bệnh không thể quay trở lại. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Muốn thế, ta nên tiếp tục duy trì chính sách hạn chế, kiểm soát và cách ly đối với người nhập cảnh để tránh nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài.

Đề cập tới vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, nguy cơ xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh mới trong cộng đồng tại nước ta ở mức rất thấp. Tuy nhiên, cần xác định đến khi có đầy đủ điều kiện và không còn ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố hết dịch. Còn lúc này vẫn cần đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không  chủ quan, lơ là, để đảm bảo tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả. Đồng thời tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội.

Không để dịch bệnh bùng phát trở lại

Chúng ta đã thấy những bài học sâu sắc, đắt giá, khi nôn nóng hay chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 để xảy ra tình trạng “vỡ trận” bởi “làn sóng thứ 2”. Ngày 12-5, có thông tin cho biết chính quyền thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã lên kế hoạch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ người dân của thành phố từng là tâm dịch này khi xuất hiện những ca nhiễm mới sau hơn 1 tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Từng trải qua 76 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, 11 triệu dân Vũ Hán cũng như chính quyền ở đây đều ý thức rất rõ việc dịch bệnh tái xuất sẽ nguy hại thế nào. Vậy mà thành phố này vẫn ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới trong 2 ngày 11 và 12-5.

Có thế thấy, đến nay Trung Quốc đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, nhưng cũng đang xuất hiện những lo ngại về đợt bùng phát thứ 2 trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới dỡ bỏ những phong tỏa, hạn chế. Nhiều ca lây nhiễm mới trong cộng đồng đã được ghi nhận những tuần gần đây ở một số tỉnh/thành như Cát Lâm, Hắc Long Giang...

Những thực tế sống động trên thế giới càng khiến chúng ta phải giữ cho được những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19, điều đang được cả thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao. Đài ABC (Australia) ngày 12-5 đã có chương trình ca ngợi công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, cho rằng đây là thành tựu mà nhiều nước trên thế giới “phải ghen tị”. Chúng ta đang trở thành một điểm sáng hiếm hoi trên thế giới trong chống Covid-19 và được giới đầu tư toàn cầu nhìn nhận như điểm đến kinh doanh an toàn.

Hãng Reuters nhận định, với những thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam đang định vị mình là một trong những điểm đến an toàn cho hoạt động kinh doanh, tận dụng nhu cầu của các nhà sản xuất quốc tế muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng theo hãng tin lớn này, Việt Nam đang trên đường khôi phục kinh tế sớm hơn hầu hết quốc gia khác trong bối cảnh số ca Covid-19 thấp và không có trường hợp tử vong nào. Việt Nam sẽ nổi bật hơn nữa trong mắt nhà đầu tư quốc tế nhờ ứng phó tốt với đại dịch.

Trong “nguy” có “cơ”, chúng ra đã tự nỗ lực tìm thấy cơ hội cho mình khi kiểm soát tốt dịch Covid-19. Điều đó càng đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.