Khó xử lý nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu phương án để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét để xử lý số nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội, tính đến tháng 12/2018, cả nước có 23.784 doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn; doanh nghiệp mất tích; doanh nghiệp chờ phá sản, giải thể không còn khả năng giao dịch.

Những doanh nghiệp này còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền trên 2.900 tỉ đồng, khiến 76.253 lao động bị ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, hiện nay chưa có quy định của pháp luật cho phép khoanh nợ, mà phải theo dõi và tính lãi phát sinh hàng tháng, trong khi doanh nghiệp, tổ chức không còn khả năng thanh toán, khiến số nợ thuộc dạng này ngày càng tăng cao.

Vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo xin ý kiến Quốc hội về việc bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm hiểm xã hội, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là những trường hợp chậm đóng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu phương án bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanhh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động hoặc chủ bỏ trốn mà còn nợ bảo hiểm xã hội, sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục