Sức ép tăng dân số và hạ tầng đô thị ở Hà Nội

Khó giải ngay bài toán quá tải trường, lớp đầu năm học mới

ANTD.VN - Trước áp lực tuyển sinh năm học mới với tất cả các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1 tăng hơn 30.000 học sinh và lớp 10 tăng hơn 20.000 học sinh so với năm học 2017-2018, Hà Nội phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng để tăng số trường lớp nhưng cũng chỉ khắc phục phần nào tình trạng này.

Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai): Phải nghỉ luân phiên vì thiếu lớp

Một trong những địa bàn “nóng” về áp lực tuyển sinh năm học mới của Hà Nội hiện nay là quận Hoàng Mai. Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Hoàng Liệt cho biết, hiện tại toàn phường Hoàng Liệt có 78 chung cư, trong đó có những tòa lên tới gần 1.000 hộ dân sinh sống. Số lượng trẻ em đến độ tuổi đi học có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi một số chung cư sắp hoàn thiện và đi vào sử dụng.

Trong khi đó, cả phường chỉ có 2 trường là trường Tiểu học Hoàng Liệt và trường Tiểu học Chu Văn An. “Để giải quyết bài toán trên, trường phải cho học sinh nghỉ học luân phiên do nhà trường không đủ phòng học. Tình trạng học này đã kéo dài nhiều năm nay”, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết. Chính vì nguyên nhân này, học sinh trường Tiểu học Chu Văn An từ năm học trước đã phải nghỉ luân phiên vào một số ngày trong tuần và học bù vào thứ bảy. 

Về vấn đề quá tải trường học, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận Hoàng Mai cho biết, quận này có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu học sinh. Chính vì vậy, riêng về vấn đề học luân phiên, quận Hoàng Mai có số trường tiểu học phải học luân phiên nhiều nhất thành phố. “Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết, đảm bảo đủ chỗ học không quá 50 học sinh/lớp dù vẫn còn tình trạng học sinh phải học luân phiên vào thứ bảy” - bà Phạm Đàm Thục Hạnh nói và nhấn mạnh, năm 2018, quận đã chỉnh sửa quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030.

Trong giai đoạn năm 2018-2020, quận sẽ xây mới thêm 13 trường cho các cấp học. Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh tăng so với điều lệ nhà trường nhưng vẫn đảm bảo số mét vuông/học sinh và số giáo viên trên lớp. 

So với cùng kỳ năm trước, Hà Nội đã tăng 60 trường, 5.083 nhóm lớp, tuy nhiên với quy mô lớn nhất cả nước gồm tổng cộng 2.641 trường mầm non, phổ thông và  trường trung cấp chuyên nghiệp với gần 55 nghìn nhóm lớp, gần 2 triệu học sinh áp lực quá tải trong trường học đặc biệt là khối công lập không thể giải quyết trong năm học 2017-2018. 

Với việc tăng cường bổ sung trường lớp, hiện nay, bậc mầm non của quận Hoàng Mai từ năm học 2017-2018 đã xóa bỏ tình trạng phụ huynh học sinh phải xếp hàng, bốc thăm, trông chờ vào may mắn để có chỗ cho con học mầm non. Quận đã tăng thêm 5 trường mầm non ngoài công lập và 13 dự án cải tạo xây mới trường học năm 2018. 

Quận Cầu Giấy là một trong những quận có đầu tư lớn cho các cơ sở giáo dục công lập để đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trước sức ép tăng dân số cơ học, không ít trường học ở quận này đang trong tình trạng quá tải, vượt quá sĩ số học sinh mỗi lớp theo điều lệ trường học. Theo Điều 17, Điều lệ trường tiểu học ban kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 30-12-2010 của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Tuy nhiên các trường Tiểu học Nghĩa Tân, Dịch Vọng A, Dịch Vọng B... đều vượt quá ngưỡng này khá nhiều.

Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh cho biết có lớp sĩ số xấp xỉ 60 học sinh bởi tốc độ tăng dân số quận này quá lớn. Quận Cầu Giấy hiện có hơn 300.000 người, tăng cơ học 10% một năm. Nhiều người chuyển đi nơi khác nhưng không cắt khẩu, vẫn cho con học ở nơi cư trú cũ. Trong khi các trường chỉ phục vụ trẻ sinh sống ở địa phương. Trong khi đó, năm học mới 2018-2019, quận không xây thêm trường mới mà chỉ có thể bổ sung thêm 8 lớp.

Phụ huynh lo lắng và căng thẳng khi làm thủ tục nhập học cho con vì nhiều trường quá tải

Đầu tư 19.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp vẫn thiếu

Được biết, toàn thành phố trong năm học 2017-2018, Hà Nội dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách. Tuy nhiên, áp lực tăng dân số cơ học vẫn khiến nhiều khu vực vẫn rơi vào tình trạng thiếu trường lớp. 

Trong năm 2018, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học (trong đó, Mầm non: 38 trường; Tiểu học: 17 trường; THCS: 15 trường) với kinh phí khoảng 3.276 triệu đồng. Đối với khối trực thuộc đã thành lập mới 7 trường THPT (2 trường công lập, 1 công lập tự chủ và 4 trường tự thục). Cũng trong năm 2018, toàn thành phố cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa với kinh phí khoảng 1.846 tỷ đồng. Khối trực thuộc năm 2018 xây dựng chống xuống cấp đầu tư 92 tỷ đồng kinh phí chống xuống cấp cho 40 trường, đảm bảo điều kiện năm học mới. 

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết, quận Hà Đông luôn dành đầu tư lớn cho xây dựng trường học. Riêng năm 2018, quận thành lập mới 17 trường, trong đó tăng 5 trường công lập. Đây cũng là một trong những địa bàn có mức tăng dân số cơ học lớn nhất ở Thủ đô. Năm 2018, toàn quận có 88.000 học sinh, tăng hơn 7.000 học sinh, riêng công lập tăng hơn 5.000 học sinh. 

So với cùng kỳ năm trước, Hà Nội đã tăng 60 trường, 5.083 nhóm lớp, tuy nhiên với quy mô lớn nhất cả nước gồm tổng cộng 2.641 trường mầm non, phổ thông và  trường trung cấp chuyên nghiệp với gần 55 nghìn nhóm lớp, gần 2 triệu học sinh áp lực quá tải trong trường học đặc biệt là khối công lập không thể giải quyết trong năm học 2017-2018. 

Ông Ngô Văn Quý (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội): Cần rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học toàn thành phố

Khó giải ngay bài toán quá tải trường, lớp đầu năm học mới ảnh 3

“Trong 10 năm qua, quy mô mạng lưới trường lớp của ngành Giáo dục - Đào tạo được mở rộng và không ngừng phát triển với 2.643 trường học, 1.892.748 học sinh. Từ năm 2008 đến năm 2018 quy mô giáo dục của thành phố tăng 435 trường mầm non và phổ thông, tăng 632.572 học sinh. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn để xảy ra quá tải một số địa bàn do nguyên nhân quy hoạch về trường lớp chưa đồng bộ, một số trường ở khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về số học sinh, số học sinh/lớp. Ngoài ra, chất lượng giáo dục toàn ngành chưa thật đồng đều cũng là một nguyên nhân dẫn tới áp lực tuyển sinh tới những trường uy tín. Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2018-2019, Hà Nội cần hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học toàn thành phố. Quan tâm việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Qua đó, từng bước khắc phục việc thiếu phòng học tại các khu vực nội đô”. 

Ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội): Đề xuất đầu tư hơn 74.000 tỷ đồng xây thêm trường học

Khó giải ngay bài toán quá tải trường, lớp đầu năm học mới ảnh 4

“Về cơ sở vật chất đầu tư trường học của Hà Nội, do dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp mới đi vào hoạt động hiện đang gây áp lực về cơ sở vật chất giáo dục trong năm học vừa qua cũng như các năm tiếp theo. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường, lớp; thiếu đất xây dựng trường học, tập trung trong các quận nội thành như Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm... Bên cạnh đó, thành phố vẫn còn tình trạng một số trường học cũ chưa được cải  tạo kịp thời, nhà vệ sinh tại nhiều trường học chưa đạt chuẩn. Để khắc phục tình trạng này, Sở đã trình UBND thành phố xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030. Trong đó, Sở đề xuất đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học gồm xây mới 1.275 trường, cải tạo 282 trường. Vốn đầu tư cho việc cải tạo xây mới này dự kiến lên tới 74.000 tỷ đồng, trong đó công lập là 65,6 nghìn tỷ cho 1.389 trường; ngoài công lập 8,4 nghìn tỷ đồng cho 168 trường”.

Quận Hoàng Mai: Không đủ phòng học

“Hiện tại toàn phường Hoàng Liệt có 78 chung cư, trong đó có những tòa nhà lên tới gần 1.000 hộ dân sinh sống. Số lượng trẻ em đến độ tuổi đi học có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi một số chung cư sắp hoàn thiện và đi vào sử dụng. Trong khi đó, cả phường chỉ có 2 trường là trường Tiểu học Hoàng Liệt và trường Tiểu học Chu Văn An. Để giải quyết bài toán trên, trường phải cho học sinh nghỉ học luân phiên do nhà trường không đủ phòng học. Tình trạng học này đã kéo dài nhiều năm nay”.

Ông Nguyễn Thế Hùng (Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) 

Quận Cầu Giấy: Tăng dân số 10%/năm, có lớp sĩ số 60 học sinh

“Có lớp sĩ số xấp xỉ 60 học sinh bởi tốc độ tăng dân số quận này quá lớn. Quận Cầu Giấy hiện có hơn 300.000 người, tăng cơ học 10% một năm. Nhiều người chuyển đi nơi khác nhưng không cắt khẩu, vẫn cho con học ở nơi cư trú cũ. Trong khi các trường chỉ phục vụ trẻ sinh sống ở địa phương. Trong khi đó, năm học mới 2018-2019, quận không xây thêm trường mới mà chỉ có thể bổ sung thêm 8 lớp”.

Ông Phạm Ngọc Anh (Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội) 

Vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn số mét vuông cho mỗi học sinh

“Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết, đảm bảo đủ chỗ học không quá 50 học sinh/lớp dù vẫn còn tình trạng học sinh phải học luân phiên vào thứ bảy. Năm 2018, quận đã chỉnh sửa quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030. Trong giai đoạn năm 2018-2020, quận sẽ xây mới thêm 13 trường cho các cấp học. Phòng Giáo dục - Đào tạo đã tham mưu UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh tăng so với điều lệ nhà trường nhưng vẫn đảm bảo số mét vuông/học sinh và số giáo viên trên lớp”.

Phạm Đàm Thục Hạnh (Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hoàng Mai, Hà Nội)  

Quận Hà Đông thành lập mới 17 trường trong năm 2018

“Quận Hà Đông luôn dành đầu tư lớn cho xây dựng trường học. Riêng năm 2018, quận thành lập mới 17 trường, trong đó tăng 5 trường công lập. Đây cũng là một trong những địa bàn có mức tăng dân số cơ học lớn nhất ở Thủ đô. Năm 2018, toàn quận có 88.000 học sinh, tăng hơn 7.000 học sinh, riêng công lập tăng hơn 5.000 học sinh”.

Phạm Thị Lệ Hằng (Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục