Khi trường ĐH chỉ thích đầu vào

ANTĐ - Sáng nay, 25-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật giáo dục đại học, theo đó nhiều nội dung quan trọng cần phải hoàn thiện thêm.
Theo đại biểu Mỹ Hương (Ninh Thuận), cần tránh nhất là đào tạo không gắn với sử dụng bởi trên thực tế có không ít các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) chỉ quan tâm làm thế nào để có nhiều đầu vào còn đầu ra ít được quan tâm, cũng có không ít cơ sở giáo dục cho rằng, có việc làm hay không là việc của sinh viên.

Bà Hương đề nghị, Luật ban hành kỳ này phải gắn số lượng với chất lượng đào tạo giáo dục. Để làm được điều này phải tăng cường trách nghiệm quản lý, bên cạnh đó là các biện pháp xử lý đối với những cơ sở có chất lượng yếu kém, không đủ đáp ứng nguồn nhân lực. 

Cùng ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, các cơ sở giáo dục hiện nay chưa gắn được giáo dục với lao động, ít dành thời gian hướng dẫn sinh viên. Bà Hương cũng đưa ra số liệu thống kê của Hội Sinh viên Việt Nam, theo đó, có khoảng 50% sinh viên ra trường không có việc  làm, hoặc làm việc không đúng ngành đã  học, trong khi đó, dự thảo chưa đưa ra được rõ ràng những giải pháp để khắc phục tình trạng này. Cũng quan tâm đến chất lượng lao động, đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) nhận định rằng, chất lượng giáo dục chưa đạt yêu cầu khi sinh viên ra trường hầu như phải đào tạo lại. Ông cũng cho rằng, đi đôi với phát triển quy mô phải là chất lượng đào tạo.
Khi trường ĐH chỉ thích đầu vào ảnh 1
Các cơ sở giáo dục mới chỉ quan tâm tới số lượng đầu vào!
(Ảnh minh họa)
Một trong những vấn đề cũng được nhiều đại  biểu quan tâm đó là vấn đề tự chủ của cơ sở GDĐH. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật.

Dự thảo cũng quy định rõ, cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng GDĐH; trong đào tạo, các trường được tự chủ phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công tác tổ chức tuyển sinh...

Tuy nhiên nhiều đại biểu bày tỏ sự chưa rõ ràng của nội dung này trong dự thảo Luật bởi, theo các đại biểu, hiện tại các cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp, nhưng lộ trình và làm gì để thực trạng này giảm dần thì không tìm thấy trong dự thảo.
Bên cạnh đó, một nội dung cùng được các đại biểu quan tâm đó là nội dung về tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH.

Theo đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), kiểm định chất lượng đại học là 1 vấn đề mới, dự thảo đã bàn khá chi tiết tuy nhiên chưa nói rõ quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức kiểm định. Ông cũng đề nghị dự thảo nên có riêng 1 chương để quy định rõ vấn đề này. 
Về vấn đề này, một số đại biểu khác cũng đề nghị quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng và của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm định chất lượng giáo dục; bổ sung chế tài  xử lý vi phạm về kiểm định chất lượng.

Sau cuộc thảo luận về dự thảo Luật GDĐH sáng nay, buổi chiều, Quốc hội sẽ tiếp tục họp về dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi).