Khai hội chùa Hương

ANTD.VN - Sáng mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, Lễ hội Chùa Hương năm 2019 chính thức khai hội tại sân chùa Thiên Trù, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Khai hội chùa Hương ảnh 1Các đại biểu trồng cây bồ đề tại đường lên chùa Thiên Trù và khu vực trạm soát vé

Không gian văn hóa huyền ảo, độc đáo

Tham dự có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội  cùng đại diện Ban chỉ đạo, Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương và đông đảo tăng, ni, phật tử, du khách thập phương.

Lễ khai hội Chùa Hương năm Kỷ Hợi bắt đầu bằng những màn múa tứ linh long, lân, quy, phượng tại cả 3 sân lớn chùa Thiên Trù. Du khách thập phương mãn nhãn bởi các màn múa linh vật đặc sắc với ý nghĩa tâm linh và các giá trị văn hóa truyền thống mang lại cho lễ hội Chùa Hương một không gian văn hóa huyền ảo, độc đáo.

Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, năm 2018, huyện Mỹ Đức đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), do đó, Lễ hội Chùa Hương năm 2019 được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức dành nhiều tâm sức chuẩn bị tổ chức nhằm có được một mùa lễ hội an toàn, văn minh, đồng thời gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản.

Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”, mùa lễ hội năm nay BTC đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch, tập trung các lực lượng nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lễ hội; hạn chế đến mức thấp nhất những hình ảnh tiêu cực, phản cảm như bói toán, cờ bạc, trộm cắp, móc túi, xả rác bừa bãi… trong suốt 3 tháng diễn ra lễ hội.

Sau lễ khai hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và các đại biểu đã trồng cây bồ đề tại đường lên chùa Thiên Trù và khu vực trạm soát vé, hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Khai hội chùa Hương ảnh 2Một màn múa trong lễ khai hội Chùa Hương 2019

Biển người trẩy hội đầu Xuân

Thực tế, không phải chờ đến ngày khai hội, chùa Hương mới đông, bắt đầu từ mùng 3 Tết, khách thập phương đã đổ về đây đến tắc cả đường.

Ông Nguyễn Bá Hiển (Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương, Trưởng ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, trong 3 ngày, từ mùng 3 đến hết mùng 5 Tết, chùa Hương đón khoảng 124 nghìn lượt khách. Riêng trong ngày khai hội hôm qua, lượng khách ước đạt 130 nghìn lượt.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm, dòng xe cộ đã nườm nượp đổ về chật kín các bãi xe phía bên ngoài suối Yến. Đặc biệt, lo ngại tình trạng tắc đường, tắc cáp treo, tắc đò, nhiều du khách đã thay đổi giờ đi lễ. Thay vì đi vào lúc sáng sớm, họ lại vào chùa lúc chiều muộn và lên động Hương Tích lúc nửa đêm. 4.500 đò hoạt động đã hết công suất vào ngày khai hội. Theo ghi nhận, các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hầu như không còn. Hơn 300 gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong.

100% hộ kinh doanh được tập huấn, có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2019, để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại.