Huyện Chương Mỹ: Củng cố các đoạn đê vỡ, sạt lở trước mùa mưa lũ

ANTD.VN - Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, thành phố đã yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở liên quan và huyện tập trung củng cố hệ thống đê Hữu Bùi, những đoạn vỡ năm 2017 và sạt lở năm 2018. Trong trường hợp khi nước dâng cao buộc phải cho tràn đê, chính quyền địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho người dân…

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng thông tin tại hội nghị

Chiều 21-5, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện huyện Chương Mỹ đã thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm của huyện ước đạt 12.409 tỷ đồng (đạt 53,4% so với kế hoạch năm và tăng 11,9 so với cùng kỳ).

Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản ước thực hiên 6.760 tỷ đồng (đạt 51,2% so với kế hoạch năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ).

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện có 25 xã được công nhận đạt chuẩn. Qua đánh giá, chấm điểm tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện Chương Mỹ được 91/100 điểm và đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện cũng thực hiện thu hồi đất, cắm mốc giới GPMB được 63/81 dự án, công trình (đạt 77,77%).

Phê duyệt phương án chuyển đổi mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho 329 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 46,8ha (bằng 160% so với cùng kỳ).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án phòng, chống thiên tai tại các xã bị ngập lụt trong năm 2018, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 con sông chảy qua gồm: Sông Tích, sông Đáy và sông Bùi với hơn 100 km đê bao quanh. Huyện có 7 xã ở ven sông Hữu Bùi, nằm trong vòng thoát lũ của Hà Nội.

Do thiết kế đê Hữu Bùi chỉ cao 7 mét nên khi mức nước lũ dâng cao hơn 7 mét,  theo thiết kế phải buộc cho tràn. Nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế ở các xã này gặp không ít khó khăn.

Các hộ dân nằm trong khu vực đê hữu Bùi, là vùng thoát lũ của Hà Nội, nên khi mực nước trên 7m, được phép tràn qua đê, các hộ này sẽ phải chịu cảnh ngập lụt.

Do đó, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, di dân các xã ra khỏi khu vực đê hữu Bùi. 

Tuy nhiên, quá trình di dân không đơn giản, liên quan đến phong tục, tập quán, nhu cầu sản xuất của người dân và đòi hỏi kinh phí lớn, nên đây được coi là biện pháp chiến lược, lâu dài.

Trước mắt, thành phố đã yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở liên quan và huyện tập trung củng cố hệ thống đê Hữu Bùi, những đoạn vỡ năm 2017 và sạt lở năm 2018. Chủ trương của thành phố là xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2019.

Trong trường hợp khi nước dâng cao trên 7 mét buộc phải cho tràn đê, tuy nhiên chính quyền địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; bảo đảm đủ lương thực, nước uống và điều trị bệnh cho nhân dân nếu dịch bệnh xảy ra. 

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, năm 2018 các công tác này đã được thực hiện tốt tại các xã trong vùng thoát lũ, nhờ vậy,  3600 hộ dân dù bị ngập úng trong vòng 1 tháng nhưng không có dịch bệnh nào xảy ra; lương thực, thực phẩm cho người dân cũng được đảm bảo cung cấp kịp thời...

Cũng theo ông Hùng, năm 2019 tình hình khả năng diễn ra phức tạp hơn, bên canh việc thực hiện các quy trình trên, huyện sẽ tiếp tục thi công các công trình phòng chống lụt bão; kiểm tra các công trình ảnh hưởng sau mùa mưa bão năm 2018; báo cáo công trình đê điều trước mùa mưa bão xảy ra…