Hơn 3.500 lãnh đạo quận huyện, hiệu trưởng Hà Nội họp bàn triển khai chương trình, SGK mới

ANTD.VN - Quá tải lớp học với 50-60 học sinh/lớp chưa được giải quyết, Hà Nội đối mặt với khó khăn trước yêu cầu giảm sĩ số lớp để triển khai CT, SGK mới.

Ngày 20-1, hơn 3.500 lãnh đạo các quận huyện, trường phổ thông ở Hà Nội họp trực tuyến để nghe phổ biến và đóng góp ý kiến cho công tác chuẩn bị điều kiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Lo quá tải lớp học không đảm bảo sĩ số đúng quy định

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng để triển khai CT phổ thông mới các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp ở THCS và THPT.

“Nhiều địa phương còn khó khăn, đời sống kinh tế người dân còn khổ quá nên không dễ khắc phục ngay. Ngay như Hà Nội thì vẫn lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây trường vì quá tải trường lớp. Mong rằng lãnh đạo Thành phố quan tâm xây thêm nhiều trường lớp để đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc trên” - GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị.

Hơn 3.500 lãnh đạo sở ngành, quận huyện và hiệu trưởng các trường phổ thông Hà Nội bàn về chuẩn bị triển khai CT, SGK mới

Đây cũng chính là vấn đề mà các hiệu trưởng lo ngại khi thực tế tại nhiều trường sĩ số đều vượt cao so với mức quy định này.

Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Bối, Đông Anh Bùi Thị Sinh cho biết, hiện bậc tiểu học Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do quá tải trường lớp. Hiện có lớp lên tới 49-50 học sinh và tương lai còn tăng tiếp trong khi yêu cầu kiên quyết để thực hiện CT phổ thông mới là lớp học chỉ có 35 học sinh. Bên cạnh đó vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp nhiều, cần được quan tâm đầu tư sớm thì mới có thể đảm bảo điều kiện triển khai CT phổ thông mới.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần khắc phục theo lộ trình. “Bây giờ đòi hỏi tất cả các lớp đều có sĩ số ở cả 3 cấp học theo đúng quy định thì không thể thực hiện được. Với lộ trình cuốn chiếu trong triển khai CT giáo dục phổ thông mới, năm đầu tiên thực hiện sẽ chỉ ở lớp 1, sau đó đến các lớp tiếp theo. Như vậy các địa phương sẽ có điều kiện, thời gian đầu tư dần dần, từng lớp một chứ không phải đáp ứng ngay một lúc” - GS Thuyết giải thích.

Băn khoăn nhất là đào tạo giáo viên

Hiệu trưởng Trường THPT Đan Phượng Hoàng Thị Hồng Ngọc cho biết: “CT giáo dục phổ thông mới yêu cầu rất cao đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Chúng tôi cũng đã được cập nhật về nhiệm vụ, mục tiêu của CT nhưng băn khoăn nhất hiện nay để đáp ứng mục tiêu của CT mới chính là đội ngũ giáo viên. Tôi kiến nghị Sở, Bộ và các cấp đẩy nhanh việc đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên để tiếp cận với CT mới”. 

Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Thành Công Phan Kim Anh lo lắng việc triển khai hoạt động trải nghiệm là bắt buộc ở tất cả cấp học.

Muốn vậy thì công tác bồi dưỡng, tập huấn phải làm rất sâu vì không có giáo viên chuyên trách, được đào tạo bài bản. Hơn nữa, tổ chức hoạt động trải nghiệm còn liên quan đến kinh phí nhiều hay ít nên không dễ để đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng thực chất.

Trả lời về công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ngay sau khi Chương trình môn học mới được ban hành dự kiến vào tháng 4-2018, Bộ  sẽ tập huấn cho giáo viên.

Việc tập huấn sẽ theo lộ trình, ưu tiên những lớp triển khai sớm như giáo viên tiểu học lớp 1 sẽ giảng dạy CT mới từ năm học 2019-2020, năm 2020-2021 có thêm lớp 2, lớp 6, sau đó mới đến lớp 3, 7, 10 và đến năm cuối mới có thêm lớp 5, 9, 12. Như vậy giáo viên sẽ được tập huấn cuốn chiếu như lộ trình triển khai CT giáo dục phổ thông mới.