Hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19: Vì sao được miễn thuế nhưng chỉ được tạm dừng đóng BHXH?

ANTD.VN - Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang, tính đến ngày 26-6-2020, có gần 130.000 lao động của 1.500 doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội với số tiền khoảng 500 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6-2020 đã có khoảng 1.500 doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội

Tại hội nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, thời gian qua, khá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên điều kiện, mức hỗ trợ không giúp gì được doanh nghiệp.

Chẳng hạn, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất thực chất là doanhh nghiệp chỉ được nộp chậm chứ không miễn, không giảm gì.

Lý giải nguyên nhân vì sao doanh nghiệp có thể được miễn hoặc giảm thuế còn bảo hiểm xã hội chỉ được tạm dừng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang cho hay, bảo hiểm xã hội là quan hệ đóng hưởng, cho nên nếu doanh nghiệp không đóng cho người lao động thì sẽ không có gì để hưởng. 

Nếu chính sách thuế chỉ là quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp thì chính sách bảo hiểm xã hội là quan hệ 3 bên Nhà nước – người sử dụng lao động – người lao động.

Tham gia đóng bảo hiểm xã hội là vừa lo cho lợi ích của người lao động, vừa lo cho lợi ích của doanh nghiệp. Nêu dẫn chứng cho khẳng định trên, ông Phạm Trường Giang cho hay, nếu doanh nghiệp sử dụng người lao động, mà không đóng bảo hiểm xã hội cho họ khi xảy ra tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động thì ai sẽ là người chi trả để đảm bảo cuộc sống cho họ? Khi đó, doanh nghiệp có thể đứng ra chi trả toàn bộ hay không?

Phủ nhận một số ý kiến cho rằng, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội không mang lại nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang cho biết, tính đến ngày 26-6-2020, tổng số lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội là gần 130.000 lao động với số tiền khoảng 500 tỷ; gần 1.500 doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách này. 

Theo ông Phạm Trường Giang, những con số này đủ sức khẳng định ý nghĩa của chính sách. Thay vì việc doanh nghiệp phải đóng 500 tỷ đó vào quỹ bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp được giữ lại số tiền đó để sản xuất kinh doanh tạo ra lợi nhuận duy trì hoạt động.

Cũng theo ông Phạm Trường Giang, để hỗ trợ các doanh nghiệp hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo phương thức đã đăng ký và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội.