Hiến kế đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo đầu tiên của Đông Nam Á

ANTD.VN - Dù sở hữu nhiều lợi thế như số lượng di tích lớn nhất cả nước, số lượng làng nghề đa dạng…; tuy nhiên, theo con số thống kê được công bố tại Hội thảo quốc tế “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội vẫn chưa góp mặt trong bản đồ các thành phố sáng tạo trên thế giới do UNESCO công nhận. 

Hiến kế đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo đầu tiên của Đông Nam Á ảnh 1Phố sách Hà Nội mở ra đã trở thành không gian văn hóa, truyền bá tri thức ở Thủ đô 

Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Hà Nội

Do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng UNESCO tổ chức, Hội thảo quốc tế “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội TS Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 2019, Hà Nội sẽ kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là thời điểm chuyển giao cần tạo ra bước đột phá mới về tầm nhìn phát triển. Việc UNESCO đầu tư, tư vấn cho Hà Nội trở thành “Thủ đô sáng tạo đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia “mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO” có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu mục tiêu đó đi vào thực tiễn sẽ thực sự là cú hích lớn phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Hà Nội. 

Theo TS Nguyễn Văn Phong, qua khảo sát cho thấy, nếu TP.HCM với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, thời trang, Đà Nẵng với sự phát triển của du lịch văn hóa, thì Hà Nội, các lĩnh vực như nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa, các không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật là những lĩnh vực mà Hà Nội có thể tập trung để tạo ra ưu thế, thương hiệu riêng cho thành phố. 

Tuy vậy, nhưng theo TS Nguyễn Văn Phong thực tế, Hà Nội đang thiếu các doanh nhân, doanh nghiệp dám dấn thân đầu tư cho công nghiệp văn hóa, bởi lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này hoàn toàn trái ngược với TP.HCM và nhiều người Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp đã thành công bằng việc đầu tư cho văn hóa. Chưa kể, dù Hà Nội sở hữu nguồn lực phong phú như nguồn lực về con người, nguồn lực về di sản vật thể và phi vật thể… nhưng lại thiếu một đầu mối để tập trung, có sự ngại ngần trong định hình cơ chế, chính sách.

Vì thế, việc xây dựng một thành phố thông minh, gắn với phát huy công nghiệp văn hóa, giữ gìn bản sắc Hà Nội không còn là một nhu cầu, mà là một xu thế tất yếu. 

Văn hóa là nguồn gốc sức mạnh dân tộc

Trước thực tiễn này, đại biểu Tim Voegele đã hiến kế cho Hà Nội. Đó là việc thành phố cần có các chính sách phù hợp để thu hút nhân tài cùng tham gia vào xây dựng nền kinh tế tri thức. Đồng thời, Hà Nội cũng cần gấp rút nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trước bối cảnh bị “xói mòn” nghiêm trọng. Nghề thủ công là linh hồn của một dân tộc. Nếu Hà Nội không gây dựng được một nền tảng phù hợp để tạo ra các lợi ích kinh tế từ những ngành nghề này, chỉ trong ít năm tới đây, di sản văn hóa của quốc gia nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ bị tổn hại.

Cùng đóng góp cho Hà Nội, PGS.TS Danielle Labbe, trường Đại học Montreal cho rằng, Hà Nội cần đặt trọng việc xây dựng các không gian sáng tạo trong mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Các trung tâm này không chỉ đóng góp cho nền kinh tế mà còn là một phần trong chiến lược phát huy sức mạnh mềm của quốc gia, tức văn hóa. 

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, điều kiện địa chính trị và điều kiện tự nhiên của Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Trong đó, lịch sử dân tộc làm nên sức mạnh cho mỗi người Việt. Chỉ có chúng ta chưa biết khai thác và tận dụng lợi thế, mặt mạnh để vượt lên. Việc bồi đắp những ưu điểm của người Việt, hạn chế những nhược điểm phụ thuộc vào các chính sách để phát triển. Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, văn hóa hiện nay vẫn bị xem là “thứ yếu” trong khi nó là nguồn gốc sức mạnh dân tộc. Điều quan trọng là, cần làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh mềm của đất nước.

“Điều kiện địa chính trị và điều kiện tự nhiên của Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Trong đó, lịch sử dân tộc làm nên sức mạnh cho mỗi người Việt. Chỉ có chúng ta chưa biết khai thác và tận dụng lợi thế, mặt mạnh để vượt lên. Việc bồi đắp những ưu điểm của người Việt, hạn chế những nhược điểm phụ thuộc vào các chính sách để phát triển”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan