Hàng loạt sai phạm tại dự án gang thép hơn 8.000 tỷ đồng "đắp chiếu"

ANTD.VN - Tháng 5-2013, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cải tạo mở rộng sản xuất lên trên 8.100 tỷ đồng, mục tiêu đến hết 2014 đi vào hoạt động. Thế nhưng, các hạng mục của gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ 2013 đến nay.

Công ty Gang thép Thái Nguyên

Ngày 20-2, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đồng ý với kết luận thanh tra toàn diện của Thanh tra Chính phủ về dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). 

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 4-2005; giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; TISCO là chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD).

Dự án gồm 02 gói thầu chính: Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224.057 triệu đồng; Gói thầu EPC Dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi; Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD. 

Ngày 12-7-2007, TISCO và MCC đã ký hợp đồng tổng thầu EPC, trong đó xác định mức giá 160,9 triệu USD cho gói thầu này là “trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện và đã bao gồm các loại thuế, chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng". Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD. 

Ngày 15-5-2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 lên hơn 8.104 tỷ đồng (tăng trên 4.261 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho Dự án là trên 4.421 tỷ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là gần 3.900 tỷ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng, thế nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành.

Đến năm 2013, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công; TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD.

Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng Dự án, thiệt hại vốn đầu tư.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ TISCO phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm thuộc TISCO, như: thành lập Ban Quản lý Dự án không đủ năng lực; Lập, trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01# từ 143.250.000 USD lên 160.980.640 USD không đúng quy định; Ký Hợp đồng EPC với MCC có một số nội dung không chặt chẽ…

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm và trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan liên quan đến sai phạm của dự án này gồm: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và đặc biệt là đối với MCC.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thu hồi của MCC các khoản tiền đã chi sai quy định cũng như giá trị thiết bị máy móc do MCC cung cấp không đúng về quy cách chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật…

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển Cơ quan Điều tra để khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Tin cùng chuyên mục