Hà Nội sẽ là trung tâm an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo lớn của cả nước

ANTD.VN - Chiều 5-6, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả triển khai các nội dung hợp tác phát triển thông tin và truyền thông; giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Phát triển công nghệ số cho mục tiêu dài hạn

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cũng như các địa phương khác trên cả nước, trong quá trình xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn mong muốn xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

5 năm vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dịch vụ trực tuyến còn thấp, thậm chí có xu hướng giảm. Diễn biến dịch Covid-19 vừa qua cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển dịch vụ trực tuyến.

"Chính vì vậy, thông qua buổi làm việc hôm nay, thành phố Hà Nội mong muốn, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hà Nội sẽ xác định được quan điểm dài hạn hơn trong lĩnh vực phát triển thông tin, truyền thông, phát triển công nghệ số. Cùng với việc giải quyết những vấn đề phát sinh, mục tiêu của buổi làm việc là tạo ra những cơ hội để các bộ, ngành, các đối tác quan tâm hơn nữa tới sự phát triển của Thủ đô", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.

Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đề xuất Bộ TT&TT đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS trên đất công, trụ sở công, công trình công và địa điểm công;

Triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho các cơ quan nhà nước của Thành phố; Triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố...

Hà Nội sẽ đi đầu về 5G

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Hà Nội coi mạng lưới bưu chính viễn thông là một loại hạ tầng, điều này có thể tạo ra nhiều lao động cho Hà Nội.

Để phát triển hơn nữa, Hà Nội cần chú trọng vấn đề này bởi thời gian gầy đây lĩnh vực này chưa được chú trọng đầu tư, trong khi doanh nghiệp rất cần sự dẫn dắt của Thành phố trong xây dựng hạ tầng. Từ đó, Bộ TT&TT mong muốn ngay từ năm nay Sở TT&TT Hà Nội sẽ có kế hoạch xây dựng phát triển hạ tầng số, từ đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

Bên cạnh đó, Hà Nội nên đặt mục tiêu đi đầu về đầu tư 5G với mục tiêu tương đương với các thủ đô phát triển về 5G. Trước mắt để Hà Nội kêu gọi làn sóng đầu tư mới thì hạ tầng khu công nghiệp cần đi đầu về 5G.

Đối với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Hà Nội cần đặt mục tiêu 100% dịch vụ công thực hiện mức độ 4 ở năm 2021. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, về việc hạ ngầm cáp viễn thông, từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, Thành phố  đã ký hợp tác với 5 tập đoàn lớn, đến nay đã hạ ngầm được 173 tuyến (khoảng 9 km), (5 năm trước chỉ làm được 16 tuyến).

Thành phố phấn đấu đến năm 2025, 12 quận, huyện sẽ hạ ngầm toàn bộ (khoảng 162 tuyến).

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Thành phố đã làm ba việc: Một là những tuyến của Hà Nội đã đầu tư cũng tính vào giá dịch vụ chung để cùng sử dụng hạ tầng chung. Thứ hai, Thành phố đã làm việc  đã ngồi với 27 doanh nghiệp để thống nhất giá chung. Thứ ba, về thủ tục, Hà Nội chỉ giao cho một đầu mối là Sở Xây dựng cấp phép toàn bộ. 

Về công tác tuyên truyền, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Hà Nội rất mong muốn hợp tác với Bộ Thông tin Truyền thông và các đơn vị để tới đây có thể tận dụng tối đa đường đua F1 để quảng bá hình ảnh của Hà Nội và đất nước Việt Nam" - Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ.

Bên cạnh đó, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT quan tâm phủ sóng wifi cho tất cả các cụm công nghiệp, các khu công nghiệp, tất cả những khu vực du lịch các làng nghề, để khuyến khích cho khách du lịch, đây là nhu cầu cần thiết cần sớm thực hiện.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, sau khi thành phố thực hiện giảm loa phường, để thêm các tiện ích phục vụ nhân dân, thành phố đang rất cần thiết bị đầu cuối dùng cho các gia đình, vừa để thông tin các thông tin và truyền thông, đồng thời có thể cài các tiện ích để người dân có thể thanh toán tiền điện, tiền nước...

“Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT và các đơn vị tiếp tục quan tâm, giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và toàn bộ trung tâm phân tích dữ liệu của thành phố; xây dựng các hạ tầng dịch vụ dùng chung; chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chắc chắn đây là con đường để phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động cũng như giảm chi phí; xây dựng hệ thống an toàn bảo mật, an toàn thông tin...” – Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói.

Xây dựng đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định 6 lĩnh vực quản lý về thông tin và truyền thông của Bộ TT&TT đặc biệt quan trọng với Hà Nội. 

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhu cầu của Thủ đô về phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông rất lớn, tuy nhiên sự phát triển trong lĩnh vực này còn chưa tương xứng, Hà Nội cần cố gắng rất nhiều để đẩy mạnh phát triển.

Qua các ý kiến tại buổi làm việc, Hà Nội có thể xác định những quan điểm để thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số. 

Để thực hiện những mục tiêu này, Hà Nội cần đặt chiến lược chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực và xác định chi phí.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội mục tiêu này rất cao và Thành phố xác định sẽ dành nguồn lực cao để tạo dư địa cho phát triển.

Vì vậy, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ để xây dựng chiến lược chuyển đổi số để tới năm 2026 Hà Nội trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của cả nước và mục tiêu của cả khu vực...