Hà Nội sẽ hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi để phục vụ điều hành thông minh

ANTD.VN - Trong năm 2019, Hà Nội sẽ có đầy đủ cơ sở dữ liệu về 6 nội dung quan trọng là: quản lý doanh nghiệp; bảo hiểm; dân cư; đất đai; tài chính; thống kê tổng hợp về dân số. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai trung tâm điều hành thông minh của thành phố. 

Hà Nội sẽ hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi để phục vụ điều hành thông minh ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại đầu cầu Hà Nội

Ngày 23-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đã chủ trì Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. 

Hiệu quả, tiết kiệm

Báo cáo Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, xác định nền tảng là xây dựng chính quyền điện tử.

Đến nay, TP đã duy trì Trung tâm Dữ liệu Thành phố đang khai thác, sử dụng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến đến các cấp; trong quý III/2019, 584 xã, phường được triển khai trang thiết bị sẵn sàng ứng dụng họp trực tuyến đến cấp xã. 

Hà Nội cũng đang chuẩn bị xây dựng, hình thành Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm trên cơ sở tổ chức, lắp đặt hệ thống camera giám sát ANTT, giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị cấp huyện; hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về: quản lý doanh nghiệp, Bảo hiểm, Dân cư.

Hà Nội cũng đã triển khai mạnh mẽ CNTT, ứng dụng trong chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp như: duy trì hệ thống quản lý văn bản kết nối, liên thông 3 cấp trong Thành phố đảm bảo kết nối Trục liên thông văn bản điện tử Quốc gia... 

Hà Nội cũng triển khai các phần mềm thông minh phục vụ nhân dân như giám sát ngập lụt; thông tin về ô nhiễm không khí, chất lượng nước hồ Tây; trông giữ xe thông minh... Các phần mềm đều hiệu quả, được người dân đánh giá cao.

Người dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại nhà

Triển khai trung tâm điều hành thông minh

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử thành phố Hà Nội phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); Tập trung hoàn thành hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi còn lại gồm: đất đai; tài chính; thống kê tổng hợp về dân số.

Hà Nội cũng sẽ nâng cấp, triển khai diện rộng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia. Triển khai hiệu quả Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố. 

Cùng đó, TP sẽ triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội và một số thành phần cơ bản của Hệ thống Giao thông thông minh, Hệ thống Du lịch thông minh và các lĩnh vực khác theo lộ trình.

Hà Nội đề nghị Bộ thông tin và Truyền thông sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) làm cơ sở để Hà Nội xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố theo phiên bản 2.0; Ban hành các văn bản thay thế Nghị định số 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước…

Hà Nội cũng kiến nghị các bộ ngành  đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia được giao tại Quyết định số 714 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương…