Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới: Thu nhập người nông dân tăng gần 3 lần

ANTD.VN - Sáng 2-5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15 năm 2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại và định hướng nhiệm vụ trong tâm tiếp theo của thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 năm 2008 của Quốc hội về việc hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh lân cận, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức đạt được những kết quả nổi bật.

Những con số biết nói

Trong lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 273.322 tỷ đồng năm 2008 lên 519.568 tỷ đồng năm 2017 (gấp 1,9 lần); GRDP/người tăng từ 1697 USD lên 3.910 USD (2,3 lần); tổng mức bán lẻ tăng từ 132.837 tỷ lên 288.955 tỷ đồng (2,18 lần); có thêm 12 trung tâm thương mại lớn, 47 siêu thị; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6.904 lên 11.779 triệu USD (1,71 lần); khách du lịch quốc tế tăng 3,8 lần... Đặc biệt, thu nhập của người nông dân đã tăng từ 13 triệu lên 38 triệu đồng/người/năm (khoảng 2,92 lần)...

Phát triển văn hóa xã hội bền vững, Hà Nội đã tập trung đầu tư trọng điểm, có hiệu quả, không ngừng nâng cao đời sống người dân: số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 943 trường; số giường bệnh/vạn dân tăng 11,8 %; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% xuống còn 1,69% (giảm 6,74% theo chuẩn đa chiều)....

Hà Nội cũng đã gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng an, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy. An sinh xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, như: chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị - nông thôn, cải tạo hồ nước...

Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước...

Hà Nội đã và đang phát triển toàn diện, mang dáng dấp đô thị hiện đại, bền vững

Cần cơ chế đặc thù

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, những kết quả nói trên khẳng định sự đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết số 15 năm 2008 của Quốc hội.

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, Hà Nội đã làm một khối lượng công việc khổng lồ; điều chỉnh từ quy hoạch đến tầm nhìn, hướng tới một đô thị lớn của khu vực...

Từ đó, diện mạo Thủ đô đã thay đổi rõ nét, mạnh mẽ với bức tranh đô thị hiện đại, nhiều công trình tiêu biểu; kinh tế phát triển nhanh, đóng góp lớn cho cả nước; an ninh trật tự được giữ vững... “Tôi rất ấn tượng với sự thay đổi mọi mặt ở vùng nông thôn của Thủ đô” - ông Cao Đức Phát chia sẻ.

Đồng tình với những tồn tại mà Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận, ông Cao Đức Phát đề nghị Hà Nội nên có quy hoạch các khu đô thị tập trung; đô thị vệ tinh để giãn mật độ dân số ở khu vực trung tâm... “Có những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, Hà Nội cần đề xuất để Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ; tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển”, ông Cao Đức Phát nói...