Hà Nội ráo riết triển khai phương án ứng phó bão số 4

ANTD.VN - Ứng phó với bão số 4 đang tràn vào, thành phố Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng phải có phương án xử lý cụ thể các điểm đen về úng ngập; triển khai ngay phương án “3 sẵn sàng” (phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả), theo phương châm “4 tại chỗ” và “5 không” (không để đuối nước, không đói, không khát, không điện giật, không để dịch bệnh)…

Về diễn biến bão số 4, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ cho biết, cơn bão này sẽ hướng vào khu vực Bắc Bộ.

Từ đêm 14/8, khu vực TP Hà Nội sẽ có mưa, sau đó lượng mưa sẽ bị ngắt quãng, đến chiều tối 16/8, bão số 4 sẽ ảnh hưởng tới Hà Nội, sức gió mạnh nhất đạt cấp 6. Dự báo, từ ngày 16 đến 19/8, khu vực TP Hà Nội sẽ xảy ra mưa to, lượng mưa phổ biến 150-250mm.

Hiện nay, trên địa bàn mực nước sông Hồng và các sông nội địa vẫn ở mức thấp, dưới báo động lũ cấp I. Để ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có Công điện số 04/CĐ-BCH. Công điện đã nêu, các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên các phưcmg tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.

Dự báo đường đi của bão số 4

Đặc biệt, phải kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của bão và mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Cần tăng cường công tác kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, đặc biệt là đối với các hồ chứa đã đầy nước, sẵn sàng lực lượng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra.

Căng mình phòng chống úng ngập

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết, hiện nay, Công ty đang tích cực thu dọn, thanh thải các vật cản thoát nước. Tính đến 12h ngày 14/8, Công ty đã phối hợp các chủ đầu tư cơ bản thanh thải dòng chảy, thu gọn vật tư vật liệu trên vỉa hè. Đối với khu vực phía Tây thành phố, Công ty đã lắp đặt 4 trạm bơm tại các khu đô thị và dọc đường đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn… 

Về tiêu thoát nước ở khu vực ngoại thành, đại diện Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Nguyễn Văn Đệ cho biết, đơn vị đã huy động 100% công nhân viên, người lao động, tháo toàn bộ nước đệm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó bão số 4. Nếu lượng mưa cả đợt khoảng 300mm, Công ty hoàn toàn đáp ứng yêu cầu tiêu úng…

Riêng đối với khu vực huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nhận định, hiện mực nước sông Bùi đang ở mức 4,3m, dưới báo động lũ cấp I là 1,7m. Trên địa bàn huyện còn 20 hộ dân ở xã Nam Phương Tiến bị ngập úng sân vườn, 30 hộ chưa được cấp điện trở lại…

Đê tả Bùi trong đợt mưa lũ vừa qua đã được chống tràn trên báo động III, nhưng để ứng phó với bão số 4, huyện đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực, sẵn sàng bảo vệ tuyến đê tả Bùi. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là sự cố đê hữu Bùi chưa được xử lý, nếu mực nước lớn sẽ có nguy cơ mở rộng sự cố. Huyện đã yêu cầu cấm xe lưu thông qua khu vực này để bảo vệ đê bao.

Xử lý các điểm đen úng ngập, giữ an toàn đê tả Bùi

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thoát nước phải có phương án xử lý cụ thể các điểm đen về úng ngập, tăng cường lực lượng, phương tiện như khu vực hầm chui đại lộ Thăng Long. Công ty công viên cây xanh không chủ quan trong ứng phó sự cố đổ cây, kiểm tra toàn bộ hệ thống cây, cắt tỉa, bảo đảm an toàn ở tất cả thị trấn, nội thành, đặc biệt quan tâm những cây mới trồng. Ngoài ra, cần bảo đảm an toàn giao thông để không xảy ra ùn tắc. 

Cắt tỉa cây xanh phòng chống gãy đổ khi mưa bão (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thế Hùng cũng yêu cầu Sở Xây dựng và các quận, huyện thường xuyên kiểm tra nhà ở ven sông, khu vực dễ sạt lở bảo đảm an toàn; kiểm tra các công trình xây dựng không để xảy ra sự cố. Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị không để đổ cột đèn chiếu sáng, mất tín hiệu đèn giao thông. Công ty Môi trường đô thị phải có phương án bảo đảm, đặc biệt tránh sự cố khu vực xử lý rác... tránh tình trạng rác thải trôi theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường và làm tắc hệ thống tiêu thoát nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhận định, vì diễn biến bão số 4 rất phức tạp khó lường, nên các đơn vị không được chủ quan, triển khai ngay phương án “3 sẵn sàng” (phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả), theo phương châm “4 tại chỗ” và “5 không” (không để đuối nước, không đói, không khát, không điện giật, không để dịch bệnh).

Các quận, huyện, thị xã ứng trực thường xuyên theo dõi tình hình mưa bão. Các cơ quan báo chỉ tăng cường tuyên truyền để giảm nhẹ thiệt hại... 

Đối với các huyện, thị xã vừa bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua, nhất là các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, phải tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện chủ động khắc phục các hư hỏng, sự cố công trình trong đợt mưa lũ vừa qua.

Cần chủ động chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời dân cư ra khỏi khu vực bị sạt lở, ngập lụt; Tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa và chằng chống nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; Khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình về y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; Bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi, tả Tích, đặc biệt khu vực đê đã bị tràn trong đợt cuối tháng 7/2018.

Ứng phó với bão số 4, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội yêu cầu các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc phân công, bố trí lực lượng ứng trực theo địa bàn đã được phân công. Thời gian bắt đầu ứng trực 24/24 từ 17h00 ngày 14-8 đến khi có lệnh dừng trực của công ty.

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt công ty tổ chức ứng trực 100%. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên; Kiểm tra, gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng và cây đang trong thời gian duy trì ít hơn 2 tuổi; thường xuyên tuần đường để phát hiện kịp thời các cây nghiêng, bênh gốc, sâu mục, nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời…

Tin cùng chuyên mục