Hà Nội lấy ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Qua lấy ý kiến, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hà Nội ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều về quy định tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), đa phần cho rằng tuổi nghỉ hưu ở nước ta hiện nay đã “lạc hậu” nhưng tăng như thế nào thì cần linh hoạt…

Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội thảo

Ngày 9-10, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung phân tích về thực trạng việc tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay; các vấn đề về sửa đổi, bổ sung tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (Sửa đổi); quy chuẩn quốc tế và các bài học rút ra cho Việt Nam trong việc sửa đổi tuổi nghỉ hưu đối với người lao động…

TS Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu chuẩn của nước ta từ năm 1961 đến nay vẫn giữ nguyên là nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Sự ổn định này đã lạc hậu khi các điều kiện cơ bản quyết định đến việc quy định tuổi nghỉ hưu đã có nhiều thay đổi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Định - Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị, đã đến lúc phải tăng tuổi nghỉ hưu nhưng lộ trnhf tăng tuổi nghỉ hưu cần gắn với lộ trình hợp lý hóa công thức tính lương hưu. Cùng đó, cần nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho biết, hiện Tổng Công ty có hơn 3.000 lao động, qua tham khảo ý kiến thì đa phần người trực tiếp làm việc chân tay mong muốn tuổi nghỉ hưu giữ nguyên theo Bộ luật hiện hành. Chỉ có một bộ phận nhỏ người lao động làm việc gián tiếp về chân tay thì đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.

Vì thế, ông Vượng đề nghị ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (Sửa đổi) nên phân chia đối tượng để tính tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Một số ý kiến khác lo ngại, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm cho các thanh niên trẻ mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng, làm tăng số thất nghiệp trong nhóm này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng…

Tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, cung cấp toàn cảnh cả về lý luận và thực tiễn… liên quan đến quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến đóng góp, lắng nghe ý kiến của cử tri để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến Quốc hội. Bà Ngọc cũng yêu cầu Thường trực HĐND các quận huyện, thị xã khi tiếp xúc với cử tri cần đưa ra căn cứ, lý luận để giải thích nếu cử tri có ý kiến về dự thảo Bộ luật này.

Tin cùng chuyên mục