Hà Nội lấy ý kiến nguyên lãnh đạo thành phố về 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới

ANTD.VN - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Hà Nội lấy ý kiến nguyên lãnh đạo thành phố về 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới ảnh 1Thành ủy Hà Nội lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố về dự thảo Báo cáo chính trị đại hội XVII

Sáng nay, 30-5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đến nay, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã được hoàn thiện lần thứ chín. Đồng chí mong muốn các đại biểu nguyên là lãnh đạo chủ chốt của thành phố đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Báo cáo chính trị, nhất là giúp Tiểu ban Văn kiện hoàn thiện về quan điểm, mục tiêu, các giải pháp lớn trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Thông tin rõ hơn về nội dung này tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020-2025.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong báo cáo tại hội nghị

Cụ thể, về 3 khâu đột phá, dự thảo Báo cáo chính trị xác định cụ thể như sau:

Thứ nhất là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô.

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố.

Đồng thời, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế…; xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Cùng đó, cần phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.