Hà Nội "đau đầu" vì nợ BHXH cao nhất cả nước, doanh nghiệp "kêu" lãi chồng lãi

ANTD.VN - Qua 4 tháng đầu năm 2019, số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn Hà Nội đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2018...

Đại diện một doanh nghiệp phản ánh cách tính lãi tiền nợ BHXH gây khó khăn cho đơn vị

Ngày 22-5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chủ trì, với sự tham dự của đại diện hơn 200 đơn vị đang nợ BHXH số tiền lớn.

Doanh nghiệp "kêu" tiền lãi nợ BHXH cao, gây lãi mẹ đẻ lãi con

Theo báo cáo từ BHXH TP Hà Nội, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 2%, song tỷ lệ này lại đang có dấu hiệu tăng lên.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2019, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Hà Nội là 2.084,9 tỷ đồng, tăng 1.105,1 tỷ đồng so với thời điểm tháng 12-2018. Hiện tại, Hà Nội vẫn là đơn vị có số nợ BHXH dẫn đầu cả nước.

Đáng chú ý, có những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có những doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài gần 10 năm và đến nay chỉ tính riêng số tiền lãi từ nợ BHXH cũng đã lên đến hàng chục tỷ đồng, khiến quyền lợi của hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, Công ty CP Lilama 3 (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh), tính đến hết tháng 4-2019, đã nợ BHXH kéo dài 71 tháng (xấp xỉ 6 năm) với số tiền nợ lên tới 33,1 tỷ đồng. Trong số 33 tỷ đồng nợ BHXH của Lilama 3 thì có tới gần một nửa là tiền lãi.

Đại diện Công ty Lilama 3 cho biết, số tiền nợ BHXH của đơn vị phát sinh từ năm 2011 khi doanh nghiệp tham gia vào các dự án trọng điểm của Chính phủ. Phía doanh nghiệp cam kết sẽ thanh toán BHXH trong thời gian sớm nhất có thể nhưng chưa rõ là bao giờ.

Hay Công ty May mặc xuất khẩu VIT Garment (cũng ở Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) hiện nợ BHXH đã lên tới hơn 14 tỷ đồng, trong đó có tới 10 tỷ đồng là tiền lãi vì thời gian nợ kéo dài.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, đặc thù lĩnh vực sản xuất của công ty có tính thời vụ, thường những tháng đầu năm là giai đoạn “thấp điểm” nên chậm đóng. Trong khi đó, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này phải đóng BHXH khoảng 2 tỷ đồng, chỉ cần chậm một thời gian là số nợ tăng lên rất nhanh, cộng thêm lãi suất nợ BHXH cao, thành ra… lãi mẹ đẻ lãi con, khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo tại hội nghị

Không để tình trạng “lãi chồng lãi”

Từ thực trạng hoạt động sản xuất và tình hình nợ BHXH của mình, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tới BHXH TP, UBND TP Hà Nội về việc khoanh vùng số nợ BHXH, tránh tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoặc sau tái cơ cấu vẫn phải è cổ gánh số nợ cũ do “lịch sử để lại” từ hàng chục năm trước, tránh số tiền lãi tăng lên mỗi năm.

Về vấn đề này, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, cách tính lãi nợ BHXH từ 2016 đã có sự thay đổi, chỉ tính số nợ năm trước chuyển sang năm sau để tính lãi, không còn tình trạng "lãi chồng lãi".

Ông Hòa cũng nêu rõ, mức tính lãi nợ BHXH như thế nào thì phải thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Điều 93, Luật BHXH cũng quy định cơ quan BHXH chỉ thực hiện các chính sách BHXH, không có thẩm quyền trong việc khoanh lãi nợ BHXH.

Hơn nữa, xác định việc thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN với các doanh nghiệp có số nợ lớn không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, ngành BHXH cũng đã có những cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp này.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số thu BHXH nhưng cũng là địa phương đứng đầu về số nợ BHXH, do đó cần phải có các phương án, biện pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng này.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, BHXH TP Hà Nội cần yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã rà soát lại từng doanh nghiệp, tập hợp các khó khăn vướng mắc đề báo cáo lên Thành phố, BHXH Việt Nam, các bộ, ban, ngành trung ương để tìm phương án xử lý.