Hà Nội chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

ANTD.VN - Là địa phương có số hộ chăn nuôi lớn, khoảng 10 vạn hộ với tổng đàn lợn 1,8 triệu con, Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ngay từ những ngày đầu có cảnh báo.

Lập chốt kiểm dịch lưu động, đội phản ứng nhanh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi bởi, ngoài số hộ chăn nuôi nhiều thì Hà Nội còn là thị trường tiêu thụ lớn, giáp với 8  tỉnh, thành phố khác nên nguy cơ lây lan, phát tán dịch là rất cao.

“Ngay từ cuối năm 2018, tham dự các cuộc họp của Bộ NN&PTNT về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội đã chỉ đạo đồng loạt các sở, ngành và tới 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố cũng tuyên truyền vận động người dân tham gia vào việc phòng chống dịch”- ông Nguyễn Văn Sửu cho biết.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đan Phượng

Bên cạnh đó, ngay sau khi có Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã ban hành Công điện ngày 22/2/2019 chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh; thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở.

Từ chiều 22/2, lãnh đạo thành phố đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện  Đan Phượng.

Cùng đó, thành phố đã chỉ đạo tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi, chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh theo hướng để người dân không hoang mang, tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh; duy trì các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông, thành lập các chốt kiểm dịch lưu động, đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống xảy ra;

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn xóm; cụm dân cư, kịp thời xử lý ngay khi có gia súc ốm chết; lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự báo tình hình (các vùng nguy cơ cao, các lò mổ, điểm giết mổ…), đồng thời, phát động tổng tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc trên địa bàn toàn thành phố.

Liên quan tới ổ dịch xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, dịch xảy ra trên đàn lợn rừng 25 con của một hộ gia đình trên địa bàn phường Ngọc Thụy, Long Biên.

Đến nay Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND quận Long Biên đã thực hiện các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn chết theo quy định.

Đồng thời, đã lập chốt kiểm dịch, ngăn chặn ra vào vùng có dịch, tổng tẩy uế môi trường toàn bộ khu vực có dịch và trên địa bàn quận.

Hiện tại không có phát sinh các ổ dịch khác trên địa bàn toàn thành phố (từ ngày 24/2/2019 đến nay).

Sau đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã đến kiểm tra thực địa công tác phòng, chống tiêu hủy lợn bệnh tại Long Biên và nhận định, công tác xử lý ổ dịch đã được làm triệt để.

Chủ động tuyên truyền để người dân không hoang mang

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, Hà Nội sẵn sàng lấy kinh phí dự phòng để kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, thành phố kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân lén vứt lợn bệnh ra sông.

Hiện, thành phố cũng đang kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các địa phương lân cận vào nội đô, tăng cường kiểm soát thức ăn thừa tại các cơ sở ăn uống.

Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền mạnh để người dân hiểu rõ về bệnh dịch, chủ động các biện pháp phòng chống và không hoang mang, tẩy chay thịt lợn.

Nhằm sớm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, đại diện lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, từ nguồn kinh phí dự phòng của các tỉnh, thành phố.

Cần đảm bảo kinh phí hỗ trợ tiêu hủy cho gia súc, gia cầm bị tiêu hủy (không cần phải công bố dịch mới hỗ trợ). Mức hỗ trợ có thể cao hơn giá quy định hiện tại (38.000 đồng/kg) theo giá tại thời điểm thực tế xảy ra dịch bệnh để người dân chấp hành tốt quy định, tránh bán chạy khi có lợn ốm, chết; Tăng cường quản lý xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật.

Đồng thời, cần tiếp tục phát động “Tháng vệ sinh tiêu độc” để hạn chế, ngăn chặn dịch một cách đồng bộ.

Huy động cả hệ thống chính trị chống dịch

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành thêm văn bản số 825/UBND-KT nhằm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND TP giao giám đốc các sở: NN&PTNT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Y tế; Giám đốc CATP Hà Nội; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ động, khẩn trương, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên và Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 22-2-2019 của Chủ tịch UBND TP.

UBND TP giao Sở NN&PTNT đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị và tham mưu, đề xuất báo cáo UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2019.