GS Vũ Minh Giang: "Nhà Nguyễn từng là một đế chế hùng mạnh ở Đông Nam Á nhờ cải cách"

ANTD.VN - Theo GS.TS Vũ Minh Giang, điều ít người để ý khi nhắc đến nhà Nguyễn với tư cách đó là một triều đại cực mạnh ở Đông Nam Á. Để có được điều đó, nhà Nguyễn đã tiến hành các cuộc cải cách hành chính như tuyển chọn sử dụng nhân tài, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhà nước… Đây là những thông tin được GS.TS Vũ Minh Giang chia sẻ tại hội thảo “Dấu ấn cải cách hành chính thời Nguyễn-Giá trị lịch sử và đương đại” diễn ra sáng 12-10 tại Hà Nội.

Những vấn đề đặt ra trong hội thảo do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức không nằm ngoài mục đích cùng nhìn lại những dấu ấn cải cách của các thời đại trước và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn xã hội ngày nay, để cùng nhìn nhận đánh giá những giá trị lịch sử cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm cho đương đại.

Tại cuộc hội thảo này, GS Vũ Minh Giang cho biết, ở Nga có một tác giả đã viết cuốn sách “Sự hình thành của đế chế Nguyễn”, trong đó nhắc đến vua Gia Long đã xây dựng đất nước Đại Nam hùng mạnh ở Đông Nam Á. Và một trong những điều làm cho triều đại này trở nên vững chắc, lớn mạnh chính là nhờ vào thể chế hoàn chỉnh. Mà thể chế hoàn chỉnh đó được tạo ra từ các chính sách cải cách. Nhà Nguyễn đã sử dụng chính sách dùng người theo hiệu quả công việc. Thậm chí, quan lại nhà Nguyễn có cả người nước ngoài, đầu cũng đội mũ cánh chuồn, tham gia giải quyết các công việc triều chính.

GS Vũ Minh Giang

Bên cạnh đó, nhà Nguyễn còn tổ chức các đơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương rất khoa học, bên cạnh các lục bộ (bộ tổ chức các công việc) còn có lục tự (đơn vị thanh tra, chất vấn công việc đối với bộ khác. Đây chính là kênh nối trực tiếp với hoàng đế và hoạt động độc lập.

Đặc biệt, chính sách Hồi tỵ (Luật Hồi tỵ) được coi là triệt để và chi tiết của nhà Nguyễn đã giúp cho vương triều này kiểm soát về tham nhũng và cát cứ quyền lực. Theo GS Vũ Minh Giang, bản chất của Luật Hồi tỵ là giảm bớt áp lực cho người làm quan. Bởi người Việt Nam vốn trọng tình, mối quan hệ làng xã, đồng môn chồng chéo đến mức tạo ra khó khăn cho công việc. Ví dụ, luật quy định một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương, cùng một viện, một bộ chức năng; luật quy định quan lại không được mua đất, vườn, ruộng, nhà ở ở nơi mình cai quản…

Luật Hồi tỵ là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền dưới thời quân chủ phong kiến Việt Nam bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông và được bổ sung, mở rộng thêm một số quy định khác vào thời vua Minh Mệnh, được áp dụng từ đó cho đến cuối triều Nguyễn (1802-1945). Nhờ có luật Hồi Tỵ, nhà Nguyễn đã hạn chế khả năng vi phạm pháp luật ở các quan lại, nạn tham ô, tham nhũng ít có dịp được hoành hành.  

Đặc biệt, nhà Nguyễn là vương triều thực hiện chế độ công vụ rất tốt như một văn bản được ban hành, thực hiện và giải quyết trong một chu trình khép kín. Công văn đó đưa lên 1 bộ giải quyết trong bao lâu, đưa lên 2 bộ thì giải quyết trong bao lâu, đều được quy định chặt chẽ và đây cũng là vương triều thực hiện chế độ lưu trữ tốt nhất trong chế độ phong kiến.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đọc đề dẫn hội thảo.

Từ những phân tích này, GS Vũ Minh Giang cho rằng, việc nhìn nhận lại lịch sử để hiểu về quá khứ là rất quan trọng nhưng không nên áp dụng máy móc. Việc nghiên cứu sâu hơn để tìm ra những phương thức hay áp dụng trong thực tế là vô cùng quan trọng. Vì mỗi thời mỗi khác, những dữ liệu từ quá khứ là những gợi ý, những chắt lọc nên cần phải trân trọng.

“Cải cách nói chung hay cải cách hành chính nhà nước nói riêng luôn là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử và cũng là khát vọng của những người đứng đầu đất nước. Một đất nước không thể phát triển nếu không có các cuộc cải cách. Tuy mỗi giai đoạn, nhà cầm quyền có những mục tiêu và phương thức khác nhau, nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho dân giàu nước thịnh, xã hội ổn định, phồn vinh” - GS.TS Vũ Minh Giang chia sẻ.