GS Nguyễn Đình Cử: "Tuyên dương gia đình sinh con gái một bề rất có ý nghĩa"

ANTD.VN - Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số nước ta ở thời điểm hiện nay.

GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích về công tác dân số và phát triển, sáng 10-9

Trả lời phóng viên Báo ANTĐ, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong khi hiệu quả thực thi các giải pháp về pháp luật ở lĩnh vực này còn hạn chế thì việc truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức của người dân về giới tính có vai trò quan trọng.

- Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhiều địa phương rất nghiêm trọng, đáng chú ý, càng những gia đình có học vấn cao càng muốn sinh con trai. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Theo thống kê thì tỷ số giới tính khi sinh hiện nay rất cao, bình quân lên đến gần 115 trẻ trai/ 100 trẻ gái sinh ra, tức cứ 100 trẻ gái chào đời thì cùng thời điểm đó lại có tới 115 trả trai được sinh ra.

Về nguyên nhân, cái cốt yếu nhất vẫn là do tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý chuộng con trai vẫn nặng nề trong xã hội. Không chỉ đơn thuần là sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập quán bố mẹ thường ở với con trai, thành ra đều muốn cố sinh cho được con trai…

Còn tại sao người càng học vấn cao, càng giàu có càng sinh nhiều con trai? Vì họ có kiến thức và điều kiện hơn để lạm dụng các biện pháp can thiệp nhằm sinh con theo ý muốn. Hơn nữa, do cán bộ, công chức, viên chức chỉ được sinh 2 con nên nhằm chắc chắn trong việc sinh được con trai thì họ tìm cách dựa vào tiến bộ của y học để lựa chọn giới tính ngay từ khi mang thai.

- Rất nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng đưa ra để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, song hiệu quả đến nay vẫn hạn chế. Phải chăng cần những giải pháp mạnh hơn?

- Trước hết vẫn là phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về giới tính, để thay đổi vai trò, vị trí của nữ giới trong xã hội, rằng giá trị của một con người nằm ở cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ.

Công tác truyền thông thay đổi nhận thức về giới tính có vai trò quan trọng

Cùng đó, kinh tế phát triển hơn, chúng ta cũng phải quan tâm và có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi, để những người già bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái. Đặc biệt, phải đẩy mạnh khung pháp lý với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi, cơ sở thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh.

Đây đều là những giải pháp mà chúng ta đang triển khai, song để thay đổi nhận thức thì không thể đòi hỏi một sớm, một chiều. Còn khâu thanh tra, xử phạt hành vi lựa chọn giới tính khi sinh thì đúng là còn nhiều hạn chế. Theo tôi, sắp tới phải nâng Pháp lệnh Dân số lên thành Luật Dân số để tăng hiệu lực.

- Nhiều quận, huyện của Hà Nội đã và đang tổ chức các hội nghị “biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số”. Quan điểm của ông về việc này ra sao? 

- Trong bối cảnh mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang ở mức nghiêm trọng, báo động như hiện nay thì các hoạt động truyền thông nâng cao vai trò, vị trí của trẻ em gái trong xã hội mà thành phố Hà Nội đang triển khai, đặc biệt là hoạt động “biểu dương các gia đình sinh con một bề gái có con chăm ngoan học giỏi”, tôi cho rằng rất có ý nghĩa.

Tôi biết dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động này, cho rằng chỉ biểu dương các gia đình sinh con một bề gái càng gây bất bình đẳng giới, song phải nhìn nhận khách quan là thời điểm này, bối cảnh hiện nay, tâm lý trọng nam khinh nữ, chuộng con trai, vẫn còn nặng nề. Do vậy, cần thiết phải thay đổi nhận thức, nâng cao vai trò, vị trí của trẻ em gái trong xã hội.

Tất nhiên, hoạt động biểu dương các gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu chỉ là biện pháp nên thực hiện trong bối cảnh cụ thể hiện nay. Còn sau này, khi nhận thức người dân thay đổi, khi chênh lệch giới tính đã giảm, thì lúc đó sẽ không còn phù hợp nữa.

- Cảm ơn ông!

Truyền thông để chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển

Ngày 10-10, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi Tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21-NQ/TW cho phóng viên và các cộng tác viên báo chí ở Hà Nội.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia cũng đã phổ biến nhiều nội dung truyền thông về các vấn đề quan trọng của công tác dân số như: Truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số…