Góp phần làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong CAND

ANTD.VN - Với hơn 100 tham luận trong kỷ yếu, Hội thảo khoa học quốc gia "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên CAND trong tình hình mới", được Bộ Công an và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức sáng 29-6 đã góp phần làm sáng tỏ và thống nhất một số vấn đề về nhận thức lý luận, thực tiễn trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên CAND trong tình hình mới.

Báo ANTĐ trân trọng trích đăng một số tham luận, phát biểu tại Hội thảo:

Góp phần làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong CAND ảnh 1

Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an: 

Mỗi CBCS phải nêu cao kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử trong công tác, chiến đấu

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CAND Việt Nam luôn xứng đáng là "thanh bảo kiếm của Đảng", là lực lượng nòng cốt bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, lực lượng CAND cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với CAND; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

Tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm, then chốt là xây dựng Đảng, tập trung xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh; mỗi CBCS phải nêu cao kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử trong công tác, chiến đấu; kiên quyết chống các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm trước những yêu cầu chính đáng của Nhân dân; rèn luyện và thực hiện tác phong, ứng xử có văn hóa với Nhân dân để thực sự gần dân, làm cho Nhân dân ngày càng tin yêu, tận lực giúp đỡ lực lượng Công an.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: 

"Nói đi đôi với làm" là cách nêu gương tốt nhất đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng

Thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của Đảng ta, trong những năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội thứ XI đến nay, công tác xây dựng Đảng về đạo đức của Đảng ta ngày càng được nâng tầm và coi trọng. Một điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức của nhiệm kỳ Đại hội XII là tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thể hiện qua việc Đảng ban hành nhiều chỉ thị, nghị định quan trọng. Để phát huy phương thức thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục thực hiện thật tốt trách nhiệm nêu gương.

Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng thay vì chờ đợi hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên và làm theo người khác phải chủ động, cần tự giác thực hành bằng những hành động, việc làm dù nhỏ trong công tác và đời sống hàng ngày, trong ứng xử với chính mình, với công việc và với tập thể cơ quan, đơn vị; thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, "nói đi đôi với làm" là cách nêu gương tốt nhất; các thế hệ trước cần nêu gương sáng cho các thế hệ sau; lãnh đạo nêu gương cho nhân viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng. Kiên quyết chống biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói và làm không nhất quán giữa khi còn đương chức với lúc đã nghỉ hưu.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan: 

Người lãnh đạo cần trở thành tấm gương hay ngọn đuốc soi đường

Trong khoa học lãnh đạo - quản lý có nhiều định nghĩa về nhà lãnh đạo, song tựu trung lại các định nghĩa ấy đều nói đến hai chức năng của họ, đó là "truyền cảm hứng" và "dẫn dắt" mọi người phấn đấu thực hiện mục tiêu của tổ chức. Muốn vậy, người lãnh đạo cần phải trở thành tấm gương hay ngọn đuốc soi đường đối với quần chúng thông qua "đức" và "tài" của mình.

Bác Hồ chính là hiện thân cao đẹp của những phẩm chất ấy. Người đã thu phục nhân tâm của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ bằng tấm gương suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của nhân dân mà còn bằng đạo đức trong sáng tuyệt vời của mình. Còn về tài của nhà lãnh đạo thì một trong những yêu cầu là phải có khả năng nhìn xa, trông rộng, đề ra được những điều mang tính chân lý thu phục nhân tâm, giúp mọi người, kể cả những người có trình độ văn hóa hay lý luận không cao dễ nhớ và dễ làm.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an: 

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nêu gương trong toàn lực lượng CAND

Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương thường xuyên chăm lo công tác xây dựng lực lượng CAND cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng bản lĩnh vững vàng, kiên định về lập trường tư tưởng, trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, không hoang mang dao động trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình.

Phát huy truyền thống nêu gương, Bộ Công an đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Nhờ đó, tuyệt đại bộ phận CBCS CAND có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động khắc phục khó khăn, tu dưỡng, rèn luyện theo tư cách người Công an cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ lãnh đạo Công an các cấp được rèn luyện trong thực tiễn, gương mẫu, có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, được tín nhiệm, giới thiệu giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Nhiều CBCS dũng cảm trong chiến đấu, là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, góp phần lan tỏa đến đông đảo CBCS CAND, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nêu gương trong toàn lực lượng CAND, nhất là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Từng Công an đơn vị, địa phương cần rà soát, bổ sung quy định của mình về trách nhiệm nêu gương cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới; chú ý cụ thể hóa thành các nội dung gắn với từng đối tượng, từng nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Các đảng bộ, chi bộ trong CAND cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về nêu gương để cán bộ, đảng viên góp ý cho lãnh đạo, chỉ huy và góp ý để cùng tiến bộ...