Gỡ vướng mắc, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách người có công

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo kế hoạch, tháng 9-2019, cơ quan này sẽ trình Chính phủ dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào tháng 11-2019.

Hoàn thiện các quy định của pháp luật để chính sách ưu đãi người có công ngày càng tốt hơn

Theo báo cáo đánh giá tác động dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, pháp lệnh năm 2012 đã cơ bản hoàn thiện và mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối tượng cũng như các chế độ, chính sách ưu đãi. Pháp lệnh đã tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, hoàn thiện. Cụ thể, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành chưa quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối với một số đối tượng người có công với cách mạng. Cụ thể, chưa quy định cụ thể về điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong các giai đoạn chưa phù hợp với thực tiễn, một số điều kiện xác nhận còn quá rộng, chưa cân đối giữa các lực lượng và trong tổng thể chính sách ưu đãi.

Trong đó, điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh trong trường hợp “đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” chưa cụ thể; chưa xác định rõ địa điểm, phạm vi không gian, dẫn đến trên thực tế nếu bị tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở bất cứ đâu cũng được xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh; điều kiện xác nhận liệt sĩ đối với thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát còn quá rộng; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình quá rộng, không còn phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, quy định điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng chế độ trước ngày 1-9-2012 hiện chỉ được quy định tại Nghị định của Chính phủ, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đang tập trung sửa đổi, bổ sung 11 nội dung. Việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn nhằm mục đích bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hoà giữa các diện đối tượng người có công, phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của đất nước; không mở rộng diện đối tượng; chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.