Giữ lấy nếp chợ xưa

ANTĐ - Hiện tại Hà Nội có tới 411 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 67 chợ kiên cố, 213 chợ bán kiên cố và 131 chợ lán tạm bợ. Ngoài ra còn có 110 siêu thị, 20 trung tâm thương mại. Nếu tính theo số dân thì quả là dư thừa chợ, nhưng nhiều mà phân bổ không hợp lý, cả về khoảng cách và mật độ dân cư. Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương vừa có cuộc họp bàn về quy hoạch, quản lý và đầu tư chợ trên địa bàn.

Trong kỳ họp thứ 5 HĐND TP hồi tháng 7 vừa qua, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã từng khẳng định việc biến chợ truyền thống Thủ đô thành trung tâm thương mại là “bài học đắt giá”. Chẳng hạn như, chợ Ô chợ Dừa biến thành tụ điểm karaoke, chợ Cửa Nam cho ngân hàng thuê 50 năm. Cả 3 chợ truyền thống gắn bó hàng bao đời với người Hà Nội là Hàng Da, Cửa Nam, chợ Hôm - Đức Viên chuyển thành trung tâm thương mại đều do doanh nghiệp đầu tư các dự án đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chủ đầu tư triển khai không tính toán được hết hay “cố tình” tính sai, vì thế không kéo được bà con tiểu thương đến thuê.

Trong quá trình cải tạo các chợ phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng, chợ truyền thống phải được duy trì phần nông sản, thực phẩm. Phần bách hóa thì có thể chuyển lên trung tâm thương mại, hai phần này hỗ trợ cho nhau thì mới đạt được mục đích cải tạo. Thế nhưng trong quá trình cải tạo, việc sử dụng sai công năng của chợ đã phá vỡ quy hoạch. Hơn thế, nó còn đẩy tiểu thương ra ngoài đường hoặc chỉ dành phần tầng ngầm vừa kết hợp trông giữ xe. Cụ thể như chợ Hàng Da, sau khi xây dựng khang trang, hiện đại, không ít hộ kinh doanh rơi vào tình cảnh “chợ chiều”, ế ẩm, buộc phải bán lại sạp hàng, bỏ chợ. Chợ có 5 tầng nhưng chỉ có một tầng ngầm gửi xe rất bất tiện mà phí gửi xe rất cao nên người dân rất ngại vào chợ, trừ khách hàng “sộp” đi ô tô con, mua sắm hàng hiệu cao cấp.

Mặt khác, chi phí đầu tư cao, giá thuê sạp cao hơn trước đẩy giá thành tăng vọt. Nhà đầu tư còn đưa ra quy định 5 năm sẽ tăng giá cho thuê càng khiến người kinh doanh “đứng ngồi không yên”. Hầu hết các hộ kinh doanh đều không thiết tha với mô hình chuyển đổi từ chợ thành trung tâm thương mại thì sẽ mất chợ. Chợ là văn hóa truyền thống đã gắn chặt với nếp sống và sinh hoạt của người dân. Biến chợ thành trung tâm thương mại, đồng nghĩa với việc đẩy cả người bán và người mua ra lòng đường, vỉa hè. Tức là càng “góp phần” tăng thêm chợ cóc, chợ tạm, tăng diện tích lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng như càng khiến cho giao thông ùn tắc hơn, vệ sinh, môi trường trầm trọng hơn. Những trung tâm thương mại hoành tráng và thưa vắng khách dành cho ai? Phải chăng chỉ để phục vụ cho một thiểu số người có mức sống và thu nhập cao. Nơi để trưng bày những hàng hiệu nổi tiếng và đắt tiền, hoặc là nơi để cho thuê đám cưới, hội họp?

Đương nhiên không thể “hoài cổ” cố giữ lấy những ngôi chợ xưa cũ, xập xệ, nhếch nhác. Song, nếu Hà Nội xóa bỏ tất cả những nếp chợ truyền thống, mang đậm dấu ấn của mảnh đất ngàn năm văn hiến, thay vào đó là những trung tâm thương mại hào nhoáng, thì có khác gì và hơn gì những đô thị hiện đại trong khu vực và trên thế giới?

Tin cùng chuyên mục