Giọt nước mắt trong lễ phong quân hàm Đại tướng và những "quả đấm thép" của quân đội Việt Nam

ANTD.VN -Bài viết nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 28/5/1948 – 28/5/2018. Bài viết sử dụng tư liệu từ Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số tư liệu khác.

8 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử tại Thúy Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp...

...Ngày 19 tháng 1 năm 1948, Hội đồng Chính phủ họp.

Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội và tặng thưởng huân công cho những người đã lập được chiến công. Chủ trương của Đảng được toàn thể thành viên trong Hội đồng Chính phủ hoan nghênh.

Chính phủ kháng chiến, ảnh chụp ngày 25-8-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng thứ 5 từ bìa trái sang.

Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Bác kí sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng. Các đồng chí Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng.

Đối với Nam bộ, quân và dân Nam bộ chiến đấu sớm nhất, đã trên hai năm. Bác và Trung ương đã cân nhắc; cuối cùng, đi tới quyết định phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình. Ngoài ra, một số cán bộ cấp cục hoặc chỉ huy các liên khu được phong cấp Đại tá. Việc phong quân hàm vào thời điểm ấy chỉ mới tiến hành cho những cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân.

Lễ phong quân hàm phải hoãn vì... mưa lớn

Hội đồng Chính phủ dự định tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 27 tháng 5 năm 1948. Trong những ngày đó trời mưa rất to.

Ngày 27 tháng 5, trời vẫn mưa, các sông suối nước lớn không qua lại được. Các đại biểu chưa đến đủ. Cụ Bùi Bằng Đoàn, đại điện Quốc hội cũng chưa đến được. Hội đồng Chính phủ tranh thủ họp phiên toàn thể để giải quyết một số vấn đề quan trọng: đánh giá tình hình trong nước, âm mưu của bọn thực dân phản động Pháp, nhất là âm mưu chia rẽ của chúng và cách thức đối phó; lập quy chế công chức mới thay thế cho chế độ công chức thời thuộc Pháp và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu thang lương công chức; ra sắc lệnh thành lập Ban thi đua toàn quốc và chọn ngày 19 tháng 6 năm 1948, ngày kỉ niệm 1.000 ngày kháng chiến làm ngày phát động phong trào thi đua toàn quốc.

Cuộc họp kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong, phải tiếp tục họp vào sáng hôm sau.

Giọt nước mắt Bác Hồ tại Lễ phong quân hàm Đại tướng

Ngày 28 tháng 5, vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể.

Một hội trường mới dựng bên dòng suối lớn, dưới tán cây rừng, dựa vào sườn núi, vách mới đan còn thơm mùi nứa. Phía trong đặt một bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập nhất định thành công.

Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…”. Rồi Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp sắc lệnh.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, trưởng ban Thường trực thay mặt Quốc hội, đồng chí Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chức mừng. Đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động phát biểu mấy lời, từ đáy lòng vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho đồng chí vinh dự cao cả. Đồng chí hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm trọn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc.

Sau buổi lễ, mọi người ngồi quây quần bên Bác. Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hi sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, những trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh những người đã khuất… Cuộc nói chuyện trở thành buổi ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Sau đó các thành viên Chính phủ chụp chung một bức ảnh kỉ niệm.

Đánh thắng đại tướng phong đại tướng

Khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy, việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào. Bác trả lời giản dị: Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng; thắng trung tướng phong trung tướng; thắng đại tướng phong đại tướng.

Tháng Tám năm 1948, tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, Bác nói về “tư cách một người tướng”: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người làm tướng là phải: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”. Đối với kỉ luật, “mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm tới mỗi đội viên… Báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng, thiết thực… Phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt. Ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”. Đối với binh sĩ, thì “từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, tới cái ăn cái mặc, nhất hiết phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi; khi bảo đánh, họ sẽ hăng hái đánh… Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định đi lạc hướng”. Đối với dân, “bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục vụ thì nhất định thắng lợi”. Đối với địch, thì “tuyệt đối chớ khinh địch… Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại”.

Sắc lệnh phong Đại tướng.

Thành lập các “Quả đấm thép” của Quân đội ta ...

Sau lễ phong quân hàm Đại tướng, các Đại đoàn chủ lực – Quả đấm thép của Quân đội ta lần lượt ra đời...

Sáng ngày 28 tháng 8, tại Bắc Kạn, đại đoàn 308 được thành lập tại huyện Đồn Du. Tư lệnh kiêm chính ủy đại đoàn là đồng chí Vương Thừa Vũ, đã từng là khu trưởng Chiến khu 11, phó tư lệnh lực lượng vũ trang Liên khu 4. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh là khu trưởng Chiến khu 5, mới ra Bắc đầu mùa hè. Tham gia đại đoàn gồm những đơn vị đã chiến đấu ở mặt trận Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tu, Cẩm Phả, Kiến An, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đơn vị nào cũng đã lập nhiều chiến công.

Ngày 10 tháng 3 năm 1950, Đại đoàn 304 chính thức thành lập tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đồng chí Hoàng Minh Thảo được cử giữ chức đại đoàn trưởng, đồng chí Trần Văn Quang giữ chức chính ủy đại đoàn. Đại đoàn gồm có trung đoàn 66 chủ lực của Liên khu 3, trung đoàn 57 và trung đoàn 9 chủ lực của Liên khu 4.

Đại đoàn 312 với các trung đoàn: 209, chủ lực của Bộ, 165 thuộc mặt trận Tây Bắc và 141 hình thành từ sau chiến dịch Biên Giới, chính thức thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1950. Đồng chí Lê Trọng Tấn là đại đoàn trưởng, đồng chí Trần Độ là chính ủy đại đoàn.

Đại đoàn 325 lấy ngày chiến thắng trận Thanh Hương 11 tháng 3 năm 1951 làm ngày truyền thống của đại đoàn, nhưng phải tới đầu năm 1953 đại đoàn mới có điều kiện tập trung ra vùng tự do Liên khu 4 để xây dựng và huấn luyện. Đồng chí Trần Quý Hai làm đại đoàn trưởng kiêm chính ủy.

Đại đoàn công pháo 351 được thành lập ngày 27 tháng 3 năm 1951, gồm trung đoàn sơn pháo 75, trung đoàn lựu pháo 105 và trung đoàn công binh 151. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu là chính ủy, đồng chí Đào Văn Trường là quyền đại đoàn trưởng.

Đại đoàn 320 dự kiến thành lập sớm với các trung đoàn 48, 64 của Liên khu 3 và trung đoàn 52 Tây Tiến. Nhưng do chiến sự lan rộng ở đồng bằng Bắc bộ nên đến 16 tháng 4 năm 1951 mới chính thức thành lập. Đồng chí Văn Tiến Dũng là đại đoàn trưởng kiêm chính ủy.

Đại đoàn 316 thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1951, nòng cốt là trung đoàn 174, cùng với trung đoàn 176 thuộc tỉnh Lạng Sơn và trung đoàn 98 thuộc mặt trận Đông Bắc. Đồng chí Lê Quảng Ba là đại đoàn trưởng, đồng chí Chu Huy Mân là chính ủy.

Cho tới tháng 9 năm 1950, trước chiến dịch giải phóng biên giới thì lực lượng cơ động chiến dịch của ta lại tiếp tục tăng thêm. Trên tổng quân số hơn 20 vạn trong cả nước, bộ đội chủ lực đã chiếm hơn 16 vạn với những đại đoàn và trung đoàn mạnh, bộ đội địa phương có bốn vạn rưỡi. Dân quân du kích thì ước khoảng hai triệu.

Với việc thành lập các Đại đoàn chủ lực, những Quả đấm thép, bộ đội ta đã có điều kiện để mở những chiến dịch tiến công, tiến tới giành chủ động trên chiến trường chính, khởi đầu cho những thắng lợi vẻ vang sau này của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.