Giáo dục nghề nghiệp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của đất nước

ANTD.VN - Sáng 16-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam cùng với sự tham gia của các ban, bộ, ngành và 1.500 đại biểu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức kết nối Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp

Kỹ năng nghề là vấn đề cấp bách

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bức tranh của giáo dục nghề nghiệp nước ta “như chiếc áo ngũ sắc với không ít miếng vá víu từ vải cũ. Do đó, phải quan tâm đến tính đồng bộ của trường nghề”. Khẳng định kỹ năng nghề là vấn đề lớn của toàn cầu, đặc biệt là vấn đề cấp bách với những nước đang  phát triển như nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Tôi đã nêu trước Quốc hội rằng, nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam”.

Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Những năm gần đây, công tác đổi mới giáo dục nghề nghiệp đã có được hiệu quả bước đầu. Trong đó, xác định được 130 nghề trọng tâm, đã có 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Nhiều trường có chương trình tốt và đặc biệt là 3 năm gần đây thì tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng còn có những khó khăn, tồn tại trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. 

Việt Nam có số lao động đứng thứ 3 ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore. Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý, vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ chứ không phải thừa thầy, thiếu thợ. Vẫn còn tâm lý của cha mẹ là con mình không vào được đại học thì mới học nghề, thậm chí nhiều người làm trái ngành nghề.

Ưu tiên phát triển đào tạo

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta  còn nhiều vá víu, tính đồng bộ của các trường dạy nghề là vấn đề cần quan tâm, kể cả cơ sở thực hành, kỹ năng khác. Về định hướng trong giai đoạn tới, người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải đảm bảo 3 nguyên tắc: Cần bám sát hơn nữa nhu cầu thực tiễn thị trường, đảm bảo hài hòa cung - cầu lao động có kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp; Phát triển đào tạo nghề chất lượng chuẩn mực quốc tế; Đặc biệt nâng cao tính dự báo, nắm bắt nhanh nhạy, dự báo sớm nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng doanh nghiệp, nhà trường cần mở rộng đào tạo nghề theo hướng nào, tránh dư thừa lao động.

Thủ tướng cũng đề nghị một số giải pháp như hình thành “hiệp ước xã hội”, cơ chế Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trên một số ngành nghề trọng điểm, có chính sách rõ ràng, có trò giỏi, thầy hay, thầy ra thầy, thợ ra thợ. Cùng với đó, các tỉnh, thành có trường nghề có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp - nhà trường, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái nghề nghiệp; Xây dựng giáo dục nghề nghiệp mở dự báo ngắn hạn, dài hạn; Nhận thức của xã hội, gia đình, học sinh, sinh viên, tổ chức xã hội trong giáo dục nghề nghiệp, hiểu được “tiến bộ xã hội không thể thiếu những người lao động lành nghề”.