Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 - khóa XII:

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả

ANTD.VN - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, cấp ủy các cấp cần quan tâm đánh giá, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị, kể cả những ý kiến khác nhau trong nhận thức và tổ chức thực hiện, để có hình thức giải đáp kịp thời và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả ảnh 1

Ngày 29-6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính tại Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng nêu rõ, các Nghị quyết vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua (về công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đề cập tới những vấn đề lớn, hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước, tác động to lớn, sâu rộng, trực tiếp đến đời sống, tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Tham dự hội nghị lần này là cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên. Do vậy, việc học tập, quán triệt không chỉ để hiểu, nhận thức đúng về nghị quyết mà còn giúp có thêm kiến thức để làm tốt việc giới thiệu, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai, thực hiện nghị quyết tại địa phương, đơn vị mình thời gian tới.

Sau hội nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu 3 Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Quá trình tổ chức học tập, tuyên truyền nghị quyết phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; kiên quyết khắc phục bệnh lười học nghị quyết, học tập hình thức, đối phó, tiếp tục đổi mới việc học tập nghị quyết, trên cơ sở coi trọng cá nhân chủ động tự nghiên cứu nghị quyết, trao đổi, thảo luận.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt của ban, bộ, ngành liên quan trực tiếp tới 3 lĩnh vực: cán bộ, tiền lương và bảo hiểm xã hội, cần có thêm các hình thức thảo luận, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, phân tích kỹ tình hình, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nhận thức sâu sắc, đầy đủ nội dung của từng nghị quyết.

Dành thời gian thỏa đáng để cụ thể hóa nghị quyết các chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Trong đó, cần xác định rõ việc cụ thể, gắn với trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết. Chú trọng phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền 3 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, trên cơ sở đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu đúng, đầy đủ, cặn kẽ các chủ trương lớn của Đảng, tránh lợi dụng làm ảnh hưởng đến ổn định xã hội. 

Sau khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. 

Chiều cùng ngày, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW “về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.

3 nghị quyết quan trọng

Hội nghị Trung ương 7 - khóa XII đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

*Ngày 19-5-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, Trung ương xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 2 trọng tâm và 5 đột phá. 

Mục tiêu tổng quát: Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

lNgày 21-5-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó nêu rõ 7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để thực hiện.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

lNgày 23-5-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả ảnh 2

Tại Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; các đồng chí Thành ủy viên; Trưởng, Phó các ban, ngành, đoàn thể của thành phố cùng các cán bộ chủ chốt… tham dự tại điểm cầu chính của TP Hà Nội (ở trụ sở Thành ủy, số 219, phố Trần Phú, quận Hà Đông).