Đồng lòng trước "Hiệp định thế kỷ"

ANTD.VN - Tỷ lệ phiếu tán thành tuyệt đối 100% khi Quốc hội biểu quyết thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nói một thông điệp nhất quán, một sự đồng lòng mở ra cơ hội mới cho đất nước trên hành trình phát triển, vươn ra thế giới.  

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Nói như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi báo cáo trước Quốc hội tờ trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP thì, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp chúng ta thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước cũng nói rõ rằng, đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. 

Giữa thời đại toàn cầu hóa và trong kỷ nguyên hợp tác hội nhập sôi động, CPTPP được xem như một “Hiệp định thế kỷ” mà Việt Nam tham gia xây dựng nên sáng kiến, đặt dấu ấn cùng những quốc gia tiên phong chủ chốt như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Peru… kể từ Hội nghị Cấp cao APEC 2017 do chính chúng ta đăng cai chủ trì tại thành phố biển Đà Nẵng.

Tham gia “sân chơi” của “Hiệp định thế kỷ” có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035; rồi bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 20.000 - 26.000 việc làm; và dự kiến nó còn giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày)… Chính phủ đã có những khái toán thuyết phục các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Quá trình mở cửa hội nhập kinh tế, luôn đi kèm với quy định ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… Quá trình đó đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, nỗ lực tự thân đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để phù hợp với điều ước quốc tế nhưng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị - xã hội.

Cơ hội luôn đi kèm thách thức. Điều đó là hiển nhiên trong thế giới ngày nay. Bên cạnh thuận lợi và cơ hội đem lại, thì việc tham gia CPTPP  được xem như một “Hiệp định thế kỷ” này cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Chẳng hạn, không hề đơn giản để giải bài toán có liên quan khi mở cửa thị trường 3 nước Canada, Mexico và Peru. Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Rồi một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô...

Trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua CPTPP, có ý kiến còn băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Chẳng hạn, GDP bình quân đầu người của Australia đang là 56.135 USD; Singapore 53.880 USD; Canada 44.773 USD; New Zealand 41.629 USD; Nhật Bản 38.550 USD; Brunei 27.893 USD; Chile 14.314 USD; Malaysia 9.659 USD; Mexico 9.249 USD; Peru 6.598 USD, trong khi Việt Nam 2.306 USD.

Nhưng lo ngại không có nghĩa là đóng cửa thị trường thương mại, không có nghĩa là bế quan tỏa cảng. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải nhìn thấy thời cơ và vận hội, nhìn thấu những thách thức để vượt qua, nhìn sâu vào những rủi ro trong thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin… có thể gặp phải. 

Nhìn thấu và nhìn sâu mọi tác động đa chiều để chúng ta có thể kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện “Hiệp định thế kỷ” CPTPP. Đáng mừng là, Việt Nam chúng ta đã thể hiện được sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng khi bắt đầu bước chân vào Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay như CPTPP.