Đồng bộ các giải pháp hạ nhiệt bức xúc đô thị

ANTĐ - Ngày 2-11, tham luận tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiều ý kiến đánh giá, việc triển khai xây dựng và hoàn thành hàng loạt công trình giao thông thời gian qua đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô, làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố…

Đồng bộ các giải pháp hạ nhiệt bức xúc đô thị  ảnh 1Hàng loạt công trình giao thông được xây mới thời gian qua đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô(Trong ảnh: Đường Nhật Tân - Nội Bài khang trang hiện đại). 
Ảnh: thuần thư

Giảm tai nạn giao thông, tăng chất lượng dịch vụ

Tham luận tại Đại hội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn thành các dự án giao thông quan trọng do Bộ làm chủ đầu tư như tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; đường Nhật Tân - Nội Bài; nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Thành phố cũng ưu tiên nguồn lực chủ động đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài; tuyến Quốc lộ 32...

Đặc biệt, thành phố đã chủ động, tích cực đi đầu trong việc nghiên cứu, xây dựng 7 cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông, đầu tư xây dựng Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông kết nối 200 nút đèn tín hiệu giao thông và 400 camera giám sát giao thông tại các nút giao thông quan trọng. 

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ động rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội, lựa chọn các công trình giao thông để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng; phát triển hệ thống giao thông thông minh cho Thủ đô Hà Nội. 

Về công tác cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, công tác cải cách hành chính luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, các ngành; tạo sự chuyển biến tích cực gắn với ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. Chỉ số cải cách hành chính của thành phố do Bộ Nội vụ công bố đạt kết quả rất cao, năm 2014 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố.

Để tiếp tục tạo bước đột phá, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức...

Chấn chỉnh kịp thời vi phạm

Phát biểu tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy huyện Đan Phượng đã nêu bật những kinh nghiệm trong huy động nguồn lực từ việc xã hội hóa để xây dựng hạ tầng nông thôn. Trong đó, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân tham gia, giúp người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, thấy rõ trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới, từ đó, tổ chức lễ phát động “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều hình thức. Hiểu được các chủ trương trên, nhân dân đã hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động và kinh phí, chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Cũng trình bày tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 2.557 trường học và các cơ sở giáo dục với trên 1,6 triệu học sinh. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non năm 2013, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vào tháng 7-2015, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và 90% thanh niên trong độ tuổi có trình độ THPT hoặc tương đương. Nhiều học sinh của Hà Nội đã đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. 

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Độ, trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Sở GD-ĐT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý giáo dục các cấp và việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Qua đó, đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông báo công khai trước công luận nhằm khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm học thêm; tiêu cực trong thi cử; lạm thu trong trường học; chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, hoạt động đào tạo liên kết với nước ngoài và các tồn tại khác theo quy định của pháp luật...