Điều chưa kể về một hội nghị đặc biệt trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai

ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 2-2019 đã được đảm bảo an ninh ở cấp độ cao nhất. Xuyên suốt thời gian diễn ra hội nghị, không có bất kỳ vấn đề an ninh bất thường nào xảy ra, khi các đơn vị của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội cùng các ban ngành đã lên kế hoạch đầy đủ, chi tiết. Để có được điều đó, không nhiều người biết, một hội nghị đặc biệt đã diễn ra 2 ngày trước khi các phái đoàn Mỹ và Triều Tiên tới Việt Nam. 

Điều chưa kể về một hội nghị đặc biệt trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai ảnh 1Hình ảnh chiến sĩ CSCĐ khỏe khoắn, mạnh mẽ bảo vệ vòng ngoài đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn khách quốc tế tới Hà Nội

Đây là hội nghị của lực lượng Cảnh sát Cơ động (CATP Hà Nội) với những cán bộ chiến sỹ có mặt tại tất cả vị trí trọng yếu cần bảo vệ trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Trước khi có thông tin về việc Mỹ và Triều Tiên chọn Hà Nội là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai, lực lượng Cảnh sát Cơ động (CATP Hà Nội)đã ghi dấu ấn trong rất nhiều hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự tại Thủ đô.

Có nhiều cơ hội sát cánh cùng các tổ công tác khác nhau của Trung đoàn CSCĐ, tôi đã không ít lần bất ngờ trước sự đa năng của lực lượng này. Các anh đảm nhiệm công việc tuần tra từ tối xuyên đêm cho tới rạng sáng, cũng như có mặt tại bất kỳ sự kiện nào cần bảo vệ. Nhưng thế là chưa đủ, CSCĐ còn tham gia những hoạt động khác như hóa trang để bảo vệ mục tiêu, tham gia giải cứu con tin, bao vây và trấn áp đối tượng manh động khi được yêu cầu (như ở vụ đối tượng ngáo đá gây rối tại quận Hà Động vào cuối tháng 2 vừa qua)...

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Hà Nội cuối tháng 11-2017, Trung đoàn CSCĐ đã huy động toàn lực lượng đảm bảo an toàn trong suốt thời gian phái đoàn Mỹ có mặt và ghi dấu ấn với cả khách quốc tế cũng như người dân trong nước bằng hình ảnh năng động, tinh nhuệ.

Bởi thế, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội, Trung đoàn CSCĐ là một trong những đơn vị chủ lực của CATP Hà Nội tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài tại các điểm lưu trú và tổ chức hội nghị của hai đoàn.

Hai ngày trước khi các đoàn Mỹ và Triều Tiên tới Việt Nam, Trung đoàn CSCĐ đã tổ chức hội nghị triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự cho sự kiện đặc biệt được cả thế giới hướng đến.

Bàn thảo thẳng thắn và thực chất

Với tư cách là phóng viên được dự để nắm thông tin, ban đầu, tôi nghĩ đây cũng sẽ là một hội nghị giống như rất nhiều hội nghị khác, với những phần đọc báo cáo, tài liệu, tham luận... kém hấp dẫn. Tuy nhiên, trong hội trường đông kín cán bộ khi toàn bộ cấp chỉ huy từ đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn được huy động, một không khí hoàn toàn khác đã diễn ra.

Sau phần phát biểu và giao nhiệm vụ cụ thể của Thượng tá Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ - đã trực tiếp điều hành phần thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến từ các cán bộ.

Không có thêm bất kỳ nội dung văn bản nào được đọc, thay vào đó, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ yêu cầu tất cả cán bộ chỉ huy các cấp của Trung đoàn CSCĐ bày tỏ băn khoăn tại hội trường, để cùng gỡ những nút thắt nếu có.

Theo kế hoạch chi tiết được Chỉ huy Trung đoàn và bộ phận Tham mưu vạch ra, lực lượng CSCĐ của Hà Nội sẽ trải quân trên mọi nẻo đường Thủ đô mà 2 phái đoàn Mỹ và Triều Tiên đi qua, cũng như tại các nơi lưu trú, hội họp của họ. Bên cạnh đó, lực lượng CSCĐ còn đảm nhiệm vai trò lắp đặt cổng từ, máy soi, huy động quân “ém” tại các điểm nhất định để xử lý vấn đề ANTT khi có yêu cầu. Cùng với đó, Trung đoàn CSCĐ cũng tăng cường tuần tra khắp địa bàn, để đảm bảo giữ gìn ANTT, đồng thời giữ nguyên số lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia các kế hoạch tuần tra cùng CSGT và các tổ công tác đặc biệt 141.

Với mức độ dàn quân như vậy, có thể hiểu được bài toán khó nhất của Trung đoàn CSCĐ chính là vấn đề lực lượng. Mặc dù được Bộ Tư lệnh CSCĐ (Bộ Công an) chi viện 500 quân, chỉ huy Trung đoàn CSCĐ đã thừa nhận phải mất nhiều ngày “cân đối” để có được bản kế hoạch chi tiết cuối cùng.

Không khí hội nghị “nóng” hơn khi nhiều chỉ huy cấp tiểu đoàn, đại đội của Trung đoàn CSCĐ nêu ý kiến về khả năng thiếu quân với lịch công tác dày đặc. Tuy nhiên, từng ý kiến đều được trực tiếp người đứng đầu Trung đoàn phân tích, chỉ rõ. “Không phải tự nhiên mà tôi và bộ phận Tham mưu đưa ra kế hoạch như vậy. Mỗi người cần đọc kỹ và áp dụng một cách linh hoạt, hợp lý, có như vậy thì bất kỳ nhiệm vụ nào, chúng ta cũng đều có thể hoàn thành!”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ bày tỏ.

Quả vậy, từng nút thắt tưởng như quá khó, không biết giải quyết thế nào, sau khi được “mổ xẻ” kỹ lưỡng thì đều đã được giải quyết hợp lý, hợp tình. Cũng nhờ cách điều hành hội nghị theo hướng thực chất và hiệu quả như vậy, nên cuộc họp kéo dài 2,5 giờ đã không hề nhàm chán, mà trái lại, rất thú vị. Khi ra về, nét mặt của các cán bộ chỉ huy vừa có sự ưu tư trước một sự kiện đặc biệt quan trọng, vừa có sự tự hào, hào hứng, bởi câu kết của Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ hẳn gây ấn tượng với nhiều người, “Cháy hết mình đi, vì tôi và các đồng chí có lẽ khó có cơ hội được bảo vệ một kỳ cuộc đặc biệt như thế này thêm một lần nữa!”.

Điều chưa kể về một hội nghị đặc biệt trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai ảnh 2Các cán bộ chỉ huy của lực lượng CSCĐ đã bàn bạc thấu đáo về việc triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai

Dấu ấn tích cực của lực lượng cảnh sát vũ trang

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Đó là kết quả của nỗ lực chung từ nhiều lực lượng, đơn vị công an khác nhau. Trong đó, Trung đoàn CSCĐ - CATP Hà Nội - đã góp một phần đáng kể, với sự hiện diện của lực lượng suốt từ cửa ngõ Hà Nội tới nơi lưu trú và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh.

Trên mọi tuyến đường, hình ảnh chiến sĩ CSCĐ khỏe khoắn, mạnh mẽ, đứng ngoài cùng của các lực lượng bảo vệ và giơ tay chào đoàn đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho cả hai đoàn khách quốc tế khi tới Hà Nội.

Trong dịp đón phái đoàn của Tổng thống Mỹ tới sân bay Nội Bài, tôi gặp lại vị quan chức phụ trách an ninh Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Sau cái bắt tay thân thiện, quan chức này chủ động chia sẻ với tôi kèm nụ cười niềm nở: “An ninh ở Hà Nội quá tốt! Thật tuyệt vời! Cảm ơn!”. Vị quan chức an ninh bên phía Mỹ nói ra những lời đó kèm cử chỉ giơ tay về phía một chiến sĩ CSCĐ đứng gác, và ra dấu “tuyệt vời”. 

Hơn lúc nào hết, đó là lúc tôi cảm nhận được sự tự hào về những gì Bộ Công an và Công an TP Hà Nội đã làm, để nhận được sự ghi nhận chân thành đó từ phía đoàn bạn. 

Khi đi qua khách sạn JW Marriott (nơi Tổng thống Mỹ lưu trú), khách sạn Melia (nơi Chủ tịch Triều Tiên lưu trú), khách sạn Metropole (địa điểm diễn ra cuộc gặp) hay Cung văn hóa Hữu nghị (Trung tâm Báo chí Quốc tế), tôi đều bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ CSCĐ cao lớn đứng uy nghiêm, đảm bảo giữ gìn an ninh ở cấp độ cao nhất.

Sau khi kết thúc thành công hội nghị, tôi đã ngẫm lại lời chia sẻ chân tình của vị chỉ huy Trung đoàn CSCĐ. “Cháy hết mình đi, vì tôi và các đồng chí có lẽ khó có cơ hội được bảo vệ một kỳ cuộc đặc biệt như thế này thêm một lần nữa!”. Có lẽ từng cán bộ, chiến sĩ CSCĐ Thủ đô đã được truyền lửa từ câu nói này, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, và ghi dấu ấn xuất sắc tại sự kiện có tầm vóc quốc tế được cả thế giới ghi nhận.

Nhờ cách điều hành hội nghị theo hướng thực chất và hiệu quả, nên cuộc họp kéo dài 2,5 giờ đã không hề nhàm chán, mà trái lại, rất thú vị. Khi ra về, nét mặt của các cán bộ chỉ huy vừa có sự ưu tư trước một sự kiện đặc biệt quan trọng, vừa có sự tự hào, hào hứng, bởi câu kết của Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ hẳn gây ấn tượng với nhiều người, “Cháy hết mình đi, vì tôi và các đồng chí có lẽ khó có cơ hội được bảo vệ một kỳ cuộc đặc biệt như thế này thêm một lần nữa!”.