Điểm nhấn trong cải cách tư pháp ở Thủ đô

ANTD.VN - Dù mới chỉ là thí điểm trong thời gian không dài (từ tháng 11-2018 đến tháng 8-2019), song công tác đối thoại, hòa giải khi giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại các tòa án nhân dân ở Hà Nội đã thực sự trở thành điểm nhấn trong tiến trình cải cách tư pháp của Thủ đô. Đây chính là tiền đề, điều kiện quan trọng để Luật  Đối thoại, hòa giải tại tòa án sớm được ban hành. 

Điểm nhấn trong cải cách tư pháp ở Thủ đô ảnh 1Hòa giải viên Nguyễn Mai Anh và một trong những vụ án điển hình được hòa giải thành công tại Hà Nội

Những “điểm sáng” về hòa giải, đối thoại

Chiều cuối năm dù với bộn bề công việc nhưng khi gặp chúng tôi để nói về công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án, ông Đào Vĩnh Tường - Chánh án TAND quận Đống Đa, kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại nơi đây vẫn tỏ rõ sự hồ hởi khác thường. Ông Tường nói: “Việc ra đời Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Đống Đa là hướng đi mới trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại tòa án. Nó đã thực sự góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội”. Dù mới chỉ thí điểm nhưng công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án đã mang lại những hiệu quả hết sức tích cực”. 

Khái quát về kết quả, Giám đốc Trung tâm Hòa giải TAND quận Đống Đa chia sẻ, sau 10 tháng hoạt động, cơ quan này thụ lý tổng cộng 1.178 vụ việc và đã tiến hành hòa giải, đối thoại thành công 611 vụ việc, trong đó hòa giải, đối thoại thành 516 vụ việc  (chiếm 84%). “Đây là con số rất ấn tượng về kết quả bước đầu của mô hình này. Đối thoại, hòa giải đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính hiện nay” - Chánh án TAND quận Đống Đa nhận định.

Tương tự Trung tâm Hòa giải Tòa án quận Đống Đa, Trung tâm Hòa giải huyện Hoài Đức cũng được đánh giá rất cao sau những ngày tháng thí điểm việc giải quyết các tranh chấp mà không cần khai mở phiên tòa. Theo Chánh án TAND huyện Hoài Đức, kiêm Giám đốc Trung tâm Hòa giải Nguyễn Sinh Thành, ngay khi triển khai, Trung tâm Hòa giải Tòa án Hoài Đức đã thực hiện nghiêm túc việc hòa giải, đối thoại. Bởi đây là phương thức giải quyết tranh chấp rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc này còn giúp hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án. 

Biến những căng thẳng thành... hợp tác    

Là người trực tiếp hòa giải nhiều vụ án, bà Nguyễn Mai Anh (Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải TAND huyện Hoài Đức) kể, tháng 3-2019, Trung tâm tiếp nhận đơn của bà Lê Thị Mai khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với bà Lê Thị Minh (tên đương sự đã được thay đổi). Nhận đơn, hòa giải viên lập tức nghiên cứu hồ sơ rất kỹ càng, đồng thời rà soát các vấn đề pháp lý cần thiết của vụ án, rồi lên lịch cho các bên gặp nhau. 

Theo hòa giải viên Nguyễn Mai Anh, bà Mai và bà Minh là hai chị em ruột. Cha mẹ mất để lại cho hai bà này một thửa đất, hiện gia đình bà Minh đang ở. Bà Mai vốn sống ở miền Nam nhưng nay có yêu cầu muốn phân chia di sản là thửa đất của cha mẹ nên khởi kiện ra tòa... Hòa giải viên sau đó đã lần lượt gặp mặt từng người để hiểu thêm về mâu thuẫn giữa hai chị em. Qua tiếp xúc, nữ hòa giải viên nhận thấy, mâu thuẫn của hai chị em đương sự chủ yếu phát sinh do sự hạn chế về pháp luật. Nắm được vấn đề cốt lõi, nữ hòa giải viên Nguyễn Mai Anh liền kiên trì phân tích các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và những cái được, cái mất, một khi vụ tranh chấp phải đưa ra “công đường” phán xử.

Đặc biệt, hòa giải viên còn “đánh mạnh” vào yếu tố tâm lý, tình cảm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta. Đó là “chị ngã em nâng”, “anh em như thể tay chân”, rồi thì “một giọt máu đào còn hơn ao nước lã”... Thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, câu chuyện đối kháng, căng thẳng giữa hai người là chị em ruột thịt của nhau đã nhanh chóng xóa nhòa. Thay vào đó, bà Minh vui vẻ chấp thuận việc tiếp tục sinh sống và có quyền đứng tên sử dụng đối với thửa đất do cha mẹ để lại nhưng phải trả cho Mai một khoản tiền tương ứng với kỷ phần di sản.

Tin cùng chuyên mục