Dịch chuyển nhân sự cấp cao âm thầm tăng tốc

ANTD.VN - Theo các chuyên gia nhân sự, trong quý I/2019, các doanh nghiệp đa quốc gia lần đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam nở rộ, kéo theo nhu cầu nhân lực tăng đột biến, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, bia rượu và mỹ phẩm.

 

Do nhu cầu mở rộng, tái cấu trúc, nhân sự cấp cao trong một số lĩnh vực có thể khan hiếm

Những năm trước, nhân sự cấp cao trong các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam chủ yếu là người nước ngoài. Nhưng gần đây, nhiều người Việt đang nắm giữ những trọng trách tại các tập đoàn kinh tế lớn cho thấy bức tranh nhân sự cấp cao đang dần dịch chuyển.

Ghi nhận từ thị trường tuyển dụng, các chuyên gia nhân sự cho biết trong quý I/2019, do tác động của hiệp định thương mại tự do nên nhiều doanh nghiệp đa quốc gia lần đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam nở rộ, kéo theo nhu cầu nhân lực cấp trung và cấp cao tăng đột biến.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, bia rượu và mỹ phẩm nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối kinh doanh và marketing từ cấp nhân viên đến vị trí quản lý cấp cao tăng mạnh.

Nhận định chung về thị trường lao động, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trong quý I/2019 một số ngành tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định như: công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, nhà hàng sẽ kéo theo tăng trưởng việc làm ở những ngành này và một số ngành khác.

Xu hướng "khát" nhân lực có trình độ và tay nghề trong quý I/2019 đã được dự báo trong "Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 20" do Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 4-2019.

Cụ thể, Bản tin thị trường lao động dự báo, quý I/2019, GDP dự kiến tăng 6,58%, năng suất lao động chung tiếp tục được cải thiện xu hướng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo các ngành.

Theo các chuyên gia lao động, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng nhà máy hoặc tái cấu trúc, doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam luôn mong muốn phát triển thương hiệu riêng cần sẵn sàng đầu tư vào con người cũng như hệ thống để có thể phát triển và cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.