Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Tiếp tục tranh luận "nảy lửa"

ANTD.VN - Trong dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Cùng với đó, luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm hoặc muộn hơn 5 năm để đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 tiếp tục trở thành vấn đề tranh luận “nảy lửa” không hồi kết của các đại biểu Quốc hội. 

Năm 2021 tăng tuổi nghỉ hưu là muộn

Thảo luận tại tổ về dự án Bộ Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo VnExpress, ông Đinh Văn Nhã – Phó chủ nhiệm Ủy ban tài chính Ngân sách cho hay Việt Nam tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 là muộn so với các nước, cách tăng tuổi nghỉ hưu như vậy cũng không gây sốc. Trong khi đó, các nước có độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 tuồi. Ông Nhã nhấn mạnh tăng tuổi nghỉ hưu giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

          Đại biểu Đinh Văn Nhã phát biểu bồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi là cần thiết

Theo Thanh Niên, đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đề xuất này là hợp lý vì thực tế cho thấy với tuổi nghỉ hưu hiện tại (nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi) vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. nếu kéo dài thời gian làm việc thì cũng kéo dài thêm thời gian tích lũy hưu trí để tiền lương hưu cao hơn. việc tăng tuổi hưu cũng giúp nước ta có thể chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hóa dân số sắp diễn ra. 

Cũng theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai. Đồng thời, hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, có đại biểu cho rằng Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và mỗi năm có đến hơn 1 triệu lao động thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, hơn 1 triệu lao động đó sẽ ra sao?

Hơn 1 triệu lao động thất nghiệp mỗi năm sẽ ra sao ?

Theo VnExpress, đại biểu Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng trong bối cảnh người lao động nhiều, thiếu việc làm thì “ khó ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu”. Theo ông, nếu cán bộ muốn làm việc thêm, có khả năng cống hiến sau khi về hưu thì ký hợp đồng với đơn vị để ở lại làm việc với tư cách chuyên gia.

          Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi

Cũng không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng thực tế các nước tăng tuổi nghỉ hưu là những nước thiếu nguồn lao động. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn lao động trẻ rất dồi dào và lao động ở nước ta chủ yếu là lao động nặng nhọc, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không phù hợp đối với người lao động. Bên cạnh đó, chủ lao động cũng không muốn sử dụng người lao động đã có tuổi do năng suất lao động không cao, ngược lại, lao động trẻ rất nhiều nhưng lại không có việc làm, tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho xã hội.

Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất nhưng nhiều ý kiến cũng không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Mục đích cuối cùng cũng đề bảo vệ người lao động, dành nhiều quyền lợi tốt cho những người lao động, tạo đà cho đất nước đi lên. Chiều 12/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).