Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Do nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2025?

ANTD.VN - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải do lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đang được quan tâm của dư luận

Đại diện cho đơn vị tham gia xây dựng đề án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Bộ LĐ-TB&XH là đơn vị trình Chính phủ dự thảo này. là đơn vị tham gia xây dựng đề án, tôi khẳng định không có chuyện đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì đến năm 2025 mất cân đối thu chi".

Theo đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước đây, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có tính toán và đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, những tính toán này được thực hiện trước khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ban hành. Hiện tại đã thay đổi nhiều nên các cơ quan liên quan đang tính tục tính toán.

Mặc dù vậy, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được xây dựng trên nhiều căn cứ như: năng suất lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tình hình kinh tế... chứ không phải chỉ vì lo vỡ quỹ.

Trước đó, tại buổi trình bày sơ bộ đề án cải cách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 tại phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH, cho biết trong đề án sẽ bàn đến 2 phương án tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1 là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, để giải quyết hai nội dung: Kéo dài tuổi nghỉ hưu thì quỹ bảo hiểm hưu trí tăng lên; Khi thời gian đóng BHXH dài ra thì nguồn quỹ để lo cho người lao động khi về già tăng lên.

Tuy nhiên, việc nâng hay không nâng tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo ý chí, nguyện vọng của người dân, nhất là đảm bảo sức khỏe người lao động trong các điều kiện làm việc còn khó khăn. Một số ngành, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nguy hiểm phải xem xét không tăng tuổi nghỉ hưu.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc xử lý trạm BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án và phân tích ưu, nhược điểm cụ thể; đồng thời lượng hoá, quy đổi giá trị mỗi phương án thành thời gian thu phí bao nhiêu lâu...

Theo kết luận tại cuộc họp ngày 23/4, Thủ tướng đánh giá cao các phương án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của Bộ Giao thông, giao Bộ này chủ trì cùng tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch để quyết định chọn một trong hai phương án Bộ kiến nghị thực hiện.

Cụ thể, phương án một là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con. "Đây là phương án ít xáo trộn tới tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy và ít gây ô nhiễm môi trường...", ông Đông đánh giá. 

Phương án hai, đặt thêm trạm nữa trong tuyến tránh và thu phí cả 2 trạm; khi hoàn vốn trạm ở Quốc lộ 1 thì dỡ và khi hoàn vốn tại trạm tuyến tránh sẽ dỡ bỏ cả hai. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì chi phí thu tăng lên, kéo dài thời gian thu phí, ảnh hưởng tới người dân. 

"So sánh 2 phương án thì phương án một là ưu việt nhất. Bộ tiếp tục triển khai bằng cách phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang về thời điểm tổ chức thu và làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, Bộ sẽ thông báo rộng rãi", ông Đông nói.

Trong khi đó, về vấn đề thất lạc bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, theo quy trình triển khai quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm triển khai theo hai bước là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung là bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết là bản đồ 1/2.000, sau đó cụ thể hoá và phân giới cắm mốc trên thực địa. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước. 

"Đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh hai lần, lần đầu tiên là quy hoạch chung năm 1996 và lần thứ hai là điều chỉnh quy hoạch năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ", ông Hùng cho hay.

Theo Thứ trưởng Xây dựng, hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là thực hiện trên quy hoạch được phê duyệt năm 2005. Tất cả bản đồ, căn cứ pháp lý từ 2005 như quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới hiện vẫn có đầy đủ, và việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này. 

"Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005", ông Hùng khẳng định.

Đối với việc thất lạc tài liệu, Thứ trưởng Xây dựng nói ảnh hưởng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, liên quan đến triển khai chi tiết của quy hoạch trước ra sao, tất cả sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam thông tin thêm, cơ quan thanh tra sẽ phối hợp với TP HCM kiểm tra vấn đề trên; khi có kết quả cụ thể sẽ thông báo.

Tin cùng chuyên mục