Đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến chính sách tiền lương

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất quy định, người lao động được tạm ứng tối đa 3 tháng tiền lương theo điều kiện do 2 bên thoả thuận và không bị tính lãi suất khi hoàn trả.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến vấn đề tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có đề xuất điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến vấn đề tiền lương của người lao động.

Cụ thể, tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do 2 bên thoả thuận và không bị tính lãi suất khi hoàn trả. Mức tạm ứng tiền lương tối đa không quá 3 tháng lương của người lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ giúp người lao động giảm bớt rủi ro khi có việc đột xuất xảy ra. Trên thực tế, hiện có nhiều lao động vì khó khăn phải vay tín dụng đen với lãi suất lên đến 200%.

Bên cạnh đó, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung 5 căn cứ để xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu gồm: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Cũng tại Dự thảo quy định, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định doanh nghiệp sẽ tự xây dựng thang bảng lương. Cụ thể, người sử dụng lao động chủ động xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Trong đó, mức lao động được hiểu là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức của người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, quy định gửi thang lương, bảng lương tới cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động đã không còn được đề cập.

Ngoài ra, dự thảo Bộ luật Lao động còn đề xuất thay đổi quy định về trả lương như sau: Việc trả bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Theo đó, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, gồm: Mức lương cơ bản; tiền trả làm thêm giờ và khoản tiền khác (nếu có); nội dung và tiền bị khấu trừ theo quy định tại của Bộ luật này.

Về nguyên tắc, người sử dụng lao động trả lương trực tiếp cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng mà không thể thực hiện trả lương trực tiếp, Dự thảo quy định người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.