Đề xuất miễn thị thực tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

ANTD.VN - Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh tới đây sẽ có quy định để hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch để vào Việt Nam hoạt động vi phạm pháp luật...

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an

Chiều nay, 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật này tại phiên họp, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; yêu cầu kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan; cũng như yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, việc xây dựng dự án luật này là cần thiết.

Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, điểm đáng chú ý là luật đã bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

Dự thảo luật đề xuất giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Theo tờ trình, quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự.

Cùng đó, dự luật bổ sung các quy định về thời hạn, đối tượng cấp thị thực điện tử; các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; hay quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; bổ sung quy định về điều kiện quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước...

Ngoài ra, dự luật cũng sửa đổi quy định về thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên đến 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên (theo quyết định của Chính phủ).

“Quy định trên phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thực hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài” – tờ trình nêu rõ.

Riêng thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (đến 3 tháng) vào Việt Nam hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời phù hợp với thời gian theo chương trình du lịch tại Việt Nam.

Qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với các quy định đưa ra trong dự thảo luật.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc ban hành luật này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo quy trình một kỳ họp.