ĐBQH: "Phải giáo dục học sinh làm người tử tế, thay vì chỉ thích làm giàu"

ANTD.VN - "Phải tăng cường dạy đạo đức cho học sinh bởi đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại", đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chiều 8-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trước khi đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 15-11 tới.

Đạo đức xuống cấp thì giáo dục thất bại

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh việc phải tăng cường dạy đạo đức cho học sinh, bởi "đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại" và "dù giáo dục tiên tiến đến đâu mà đạo đức có vấn đề thì giáo dục không ổn".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng luật cần chú trọng tới việc tăng cường dạy đạo đức cho học sinh

"Làm sao giáo dục học sinh thích làm người tử tế, thay vì thích làm người giàu. Luật Giáo dục cần chú trọng điều này, đề cao lòng yêu thương con người, yêu mến sự tử tế. Cả trong gia đình và nhà trường đều nên giáo dục 2 điều này", ông Nghĩa nói.

Theo vị đại biểu đoàn TP.HCM, ngoại ngữ là vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay, vì vậy, phải để học sinh tiếp cận ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Đề cập tới tình trạng nhiều học sinh nói ngọng, ảnh hưởng uy tín một nền giáo dục nhưng thời gian qua chúng ta "bỏ bê" vấn đề này. 

"Hồi tôi đi học, bạn nào ngọng bị cô giáo yêu cầu tập đọc trước cả lớp. Cháu tôi nói ngọng bèn cho đi học lớp chữa nói ngọng để nói chuẩn trở lại", ông Nghĩa kể và đề nghị phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi học sinh hết tiểu học.

Vụ một thầy giáo ở Quảng Bình bị trò đâm trọng thương phải nhập viện phần nào báo động tình trạng đạo đức xuống cấp ở một bộ phận học sinh, sinh viên

Trẻ không được đến trường, ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho rằng, luật ra đời phải có cơ chế nào để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong khi địa phương vẫn phải mỏi mòn chờ Bộ Nội vụ duyệt biên chế. Nếu cứ thế này trong tương lai ngành giáo dục còn khổ dài dài và tiếp tục bị phu huynh phản ánh.

"Thiếu giáo viên mầm non dẫn đến trẻ không được đến trường hoặc phải bị học dồn ép. Trẻ em không được đến trường vậy ai chịu trách nhiệm?”, bà Mai đặt vấn đề. Nữ đại biểu nêu lên thực tế: Hiện nay một số địa phương chỉ dám hợp đồng với giáo viên trong 9 tháng, nhiều giáo viên đã chọn con đường làm công nhân còn hơn làm giáo viên 9 tháng vì lương công nhân hơn 4 triệu, còn giáo viên chỉ 3 triệu trong khi không biết sau 9 tháng có được hợp đồng nữa hay không.

"Đây là những bức xúc từ địa phương. Vậy luật ra đời có giải quyết được tình trạng này không, để địa phương không phải xin phép bộ ngành nào mà có thể thực hiện được ngay, để có thể tuyển chọn giáo viên đáp ứng nhu cầu của người dân", bà Mai nói.

Một số địa phương thiếu giáo viên mầm non dẫn đến tình trạng trẻ bị học dồn ép (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Giao Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông

Đại biểu Lê Thành Long (đoàn Kiên Giang) đề nghị phải quy định cụ thể ngay trong luật về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa để có cơ chế cho các cá nhân, tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, không nên quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình sách giáo khoa như dự thảo luật mà nâng lên một cấp là giao cho Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng), chương trình sách giáo khoa là điều mà cả xã hội quan tâm. "Cử tri phản ánh đặc biệt ở bậc phổ thông là các cháu phải rất cố gắng để hoàn thành chương trình sách giáo khoa ở nhà trường. Nên chăng phần chương trình sách giáo khoa cần tinh gọn lại, giảm tải để giáo dục toàn diện, có tính năng động sáng tạo", ông Bình đề xuất.

Tin cùng chuyên mục