ĐBQH: Doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ gia đình có thể gây thất thoát thuế rất lớn

ANTD.VN - "Cả nước có  khoảng 700.000 doanh nghiệp, 5.1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chưa kể đến số lượng mã số thuế cá nhân. “Với khối lượng công việc lớn như vậy, quy định trong dự thảo liệu có làm tăng áp lực đối với cán bộ thuế, dẫn đến những sai sót khi thực thi nhiệm vụ hay không"?

Quy định  làm tăng áp lực đối với cán bộ thuế?

 Đó là ý kiến phát biểu thảo luận của Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) về một số nội dung liên quan đến Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo Đại biểu này, Dự án Luật cần quan tâm đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính và phân cấp triệt để cho các cấp đơn vị đạt mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu Hằng nhấn mạnh, để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả, cơ quan soạn thảo cần đánh giá các nguồn lực để thực hiện thuế. Qua đó, đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội (yếu tố bên ngoài) để có sự rà soát, xem xét tính phù hợp với thực tế khi đưa ra chính sách, quy định mới.

Đặc biệt, cần đánh giá chính xác về yếu tố nền tảng để thực thi hiệu quả Dự án Luật, đó chính là nguồn lực của ngành thuế, bao gồm số lượng và năng lực của đội ngũ công chức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như tốc độ hiện đại hóa của ngành thuế.

 Về vấn đề nhân lực, Đại biểu Hằng nhận định, hiện nay biên chế trong ngành thuế đang có xu hướng giảm. Tính đến 31/10/2018, ngành thuế có trên 41.700 cán bộ công chức, trực tiếp làm công tác quản lý thuế có hơn 30.700 và trong tương lai sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, cả nước có khoảng khoảng 700.000 doanh nghiệp, 5.1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chưa kể đến số lượng mã số thuế cá nhân. “Với khối lượng công việc lớn như vậy, quy định trong dự thảo liệu có làm tăng áp lực đối với cán bộ thuế, dẫn đến những sai sót khi thực thi nhiệm vụ hay không? Điều này cần được xem xét, đánh giá một cách tổng thể” – Đại biểu Hằng đặt câu hỏi.

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi nộp thuế

Do vậy, đại biểu này đề nghị, song song với đánh giá tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo cần xem xét đánh giá nguồn lực để thực hiện phù hợp với các nội dung trong dự thảo không gây áp lực cho người nộp thuế cũng như cán bộ công chức thuế.  

Cùng cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu, dự thảo luật có hoá đơn điện tử, có cơ sở dữ liệu và giao dịch điện tử nên cần có quy định triệt để cho các kinh tế hộ gia đình là hàng hoá đều phải có hoá đơn.

Ông Bình cho rằng, việc các doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh tế hộ gia đình có thành lập doanh nghiệp hay không có thể để sau, trước mắt phải có hoá đơn hàng hoá thì mới có thể quản lý thuế được. “Nếu doanh nghiệp nào áp dụng thuế khoán thì chúng ta phải có quy định cụ thể và phải được công khai minh bạch để kiểm soát thuế chứ không sẽ thất thoát thuế rất lớn”, ông Bình nói.

 Có tình trạng trình dự án thấp nhưng sau đó nâng mức đầu tư

Liên quan đến Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi), Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích, Luật Đầu tư công 2015 bộc lộ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Quy định về trình tự thủ tục phê duyệt chủ đầu tư các dự án rất phức tạp, cần có sự tham gia rất nhiều cơ quan ban ngành, hoặc khi đã có chủ trương đầu tư  thì các bước thực hiện dự án đầu tư cũng rất dài dòng, phức tạp. Trong Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới cần khắc phục những vấn đề này. Nghĩa là, cần phân cấp quyết định, cấp nào quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về kết quả, thẩm định.

Cũng theo Đại biểu Cường, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn vốn được để lại không được đưa vào cân đối ngân sách nhưng vẫn phải thực hiện quy trình như đầu tư công làm cho việc tự chủ của các đơn vị này không thực hiện được.

Bên cạnh đó, luật quy định, để phê duyệt chủ trương đầu tư phải có nguồn vốn, nhưng lại quy định phân bổ vốn đầu tư trung hạn thì dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư chẳng khác nào câu chuyện “con gà, quả trứng”, không thể giải quyết được.

Mặt khác, Luật Đầu tư 2015 còn đang vướng về phân loại các dự án nhóm A nằm trong khu di tích lịch sử quốc gia. Quy định này cần bổ sung “nếu dự án nằm ở khu vực đó thì cần có ý kiến thẩm định của đơn vị quản lý di tích đó”.

“Thời gian qua, có tình trạng khi dự án được phê duyệt thuộc nhóm B, nhưng trong quá trình triển khai có điều chỉnh vốn, dự án chuyển thành dự án nhóm A thì cơ quan phê duyệt vẫn là cơ quan ban đầu. Quy định này không hợp lý, dễ dẫn đến việc lợi dụng khi ban đầu trình dự án thấp để đơn giản hóa việc phê duyệt, nhưng sau đó sẽ nâng mức đầu tư lên. Tôi đề nghị khi dự án thay đổi tổng mức đầu tư phải thay đổi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án” – Đại biểu Cường đề xuất.

Tin cùng chuyên mục