ĐBQH - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Chiến nói gì về quy định ghi âm, ghi hình trong tiếp công dân của Hà Nội?

ANTD- Trước những ý kiến trái chiều xung quanh nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố theo Quyết định số 12/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành, ngày 11-1, Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã trao đổi với phóng viên ANTĐ về một số vấn đề liên quan đến quy định này.

PV: Những ngày qua, một số cá nhân cho rằng, nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố theo Quyết định số 12/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành không phù hợp với các quy định hiện hành. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Chiến: Có thể khẳng định, theo Luật tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 12 quy định về việc tiếp công dân, trong đó có nội dung công dân không tự ý ghi âm ghi hình khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân là hoàn toàn phù hợp.

Bởi, điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 64/ 2014/NĐ-CP quy định một trong những trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan  thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập là  phải ban hành nội quy quy chế tiếp công dân. 

Để xem xét nội dung của quy định này có phải vi hiến hay không, có bảo đảm hay hạn chế quyền con người cần nghiên cứu ở 2 góc độ:

Thứ nhất, việc tiếp công dân là trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, là trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, để giải quyết những việc liên quan đến mối quan hệ  hành chính giữa người dân và cơ quan công quyền. Trong quá trình làm việc giữa hai bên, việc người dân ghi âm, ghi hình không chỉ nằm trong các quy định để giải quyết quan hệ hành chính mà còn liên quan đến quan hệ pháp luật thuộc quy định của Bộ luật Dân sự và Hiến pháp điều chỉnh.

Nghĩa là trong cùng một thời điểm, cá nhân thực hiện quan hệ pháp luật hành chính nhưng đồng thời thực hiện quan hệ pháp luật khác về dân sự nên theo Hiến pháp phải đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân với nhau, không xâm phạm lợi ích quốc gia dân tộc và không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Quyền của công dân khi thực hiện ghi âm, ghi hình đối với người tiếp dân (cũng là một công dân) đều phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp.

Nội quy về việc tiếp công dân trong Quyết định số 12/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội và nhiều địa phương khác đều khẳng định việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của người bị ghi âm ghi hình là không trái với quy định về việc đảm bảo quyền của công dân.

Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội 

PV: Hiện có một số người dân còn lo lắng quy định trên nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến quyền công dân của họ. Theo ông, lo lắng này liệu có cơ sở?

Luật sư Nguyễn Chiến: Nội quy về việc tiếp công dân trong Quyết định số 12/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành không cấm ghi âm, ghi hình, chỉ là không ghi âm ghi hình khi chưa được sự đồng ý  của cán bộ tiếp dân.

Khi đã thông báo, nếu bên kia thấy được mục đích của việc ghi âm, ghi hình  không xâm phạm  đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ, họ sẽ không từ chối.

Quy định trên chỉ nhằm bảo đảm quyền của người dân trong đó có cả quyền của người bị ghi âm, ghi hình. Người muốn ghi âm, ghi hình phải có sự đồng ý của người khác. Ví dụ, tại Nhật Bản, khi quay phim, chụp ảnh công dân phải xin phép.

Pháp luật Việt Nam rất tôn trọng quyền của công dân. Việc một công dân vào trụ sở cơ quan công quyền thông báo công khai, minh bạch việc ghi âm, ghi hình của mình thì những cơ quan này cũng không có lý do từ chối , thậm chí phải có biện pháp bảo đảm,  tạo điều kiện cho công dân thực hiện mục đích giám sát của người dân đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, bảo đảm giải quyết công việc một cách công tâm, đúng pháp luật, không được từ chối, né tránh, hời hợt, hách dịch…

Nếu cán bộ tiếp dân không đồng ý mà không có lý do chính đáng, người dân vẫn có quyền thực hiện việc giám sát, vì họ đã có thông báo. Trong trường hợp này, việc người dân thực hiện quyền giám sát là hoàn toàn đúng đắn. Khi đó, Hiến pháp sẽ được thực thi, pháp luật được tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên.

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ  đã  nhấn mạnh “việc tiếp công dân cũng phải được ghi âm, ghi hình”. Theo ông, Quyết định số 12/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành có mâu thuẫn với điều này?

Luật sư Nguyễn Chiến: Việc cơ quan công quyền tiếp công dân phải ghi âm, ghi hình là thông báo công khai cho người thực thi công vụ và người dân đến trụ sở tiếp dân. Việc ghi âm, ghi hình nhằm đảm bảo cán bộ thực thi công vụ phải tôn trọng người dân, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, người dân cũng phải nghiêm chỉnh tôn trọng nội quy, quy chế về vấn đề tiếp công dân. Do vậy,  ý kiến của Thủ tướng và Quyết định 12/QĐ-UBND TP Hà Nội hoàn toàn không mâu thuẫn, nó đảm bảo việc thực thi công vụ, đảm bảo quyền bình đẳng giữa hai bên trong quá trình tiếp dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục