ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy: Từ chức là cách để đối tượng tham nhũng rút lui trong danh dự

ANTD.VN - Theo một số ĐBQH, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực và chạy chức, chạy quyền hiện đang là một trong những mảnh đất màu mỡ nhất của tham nhũng…

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường Quốc hội

Sáng nay, 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Là một trong những ĐB phát biểu đầu tiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Nhưng quyền luôn gắn với trách nhiệm, do đó, quy định về trách nhiệm là một trong các giải pháp để hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền.

Phân tích sâu hơn về quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng được nêu tại chương 6 dự án Luật, ĐB đoàn TP Đà Nẵng cho rằng, đây cũng là chương mới với nhiều quy định tiến bộ.

“Chẳng hạn quy định về việc xin từ chức tại khoản 1 điều 89. Đây là quy định mở mang tính khuyến khích nhưng rất cần thiết. Mặc dù từ chức là một chuyện bất đắc dĩ nhưng trong rất nhiều trường hợp là điều nên làm, thể hiện lương tâm của cán bộ công chức, nhận trách nhiệm và rút lui trong danh dự, đồng thời cũng là cách để nguồn nhân lực được bố trí hợp lý hơn” – ĐB Kim Thúy nói.

Dù vậy, nữ ĐB này cũng chỉ ra, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong dự án Luật PCTN sửa đổi hiện còn thiếu cụ thể, tính khả thi không cao.

Chẳng hạn, dự thảo luật quy định về chế độ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng, điều này tưởng chừng như đơn giản và đã rõ ràng, thế nhưng với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay thì lại rất nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai.

Đặc biệt, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định.

“Thực tế cho thấy không phải người đứng đầu nào cũng có quyền tự quyết định, lựa chọn cấp phó của mình và một số nhân sự quan trọng khác. Không ít trường hợp quy trình xét duyệt chỉ nhằm hợp thức hóa ý định của quan chức cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức chạy quyền phát triển” – ĐB Thúy phân tích và đề nghị cần quy định trách nhiệm phải được truy cứu trên cơ sở hành vi.

Ngoài ra, cũng rất khó xác định được phạm vi liên đới trách nhiệm giữa các phòng ban, cơ quan liên quan khi để xảy ra tham nhũng tại một cơ quan nằm trong hệ thống đó. Chưa kể hiện có tình trạng quyền hạn được tập trung cho cấp trên đồng thời trách nhiệm cũng đẩy hết lên cho cấp trên…

“Tóm lại là trong nhiều trường hợp có cả một dây trách nhiệm nên rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự” – ĐB Kim Thúy nói thêm.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang)

Trước đó, đăng ký tranh luận về quy định xử lý 45% giá trị đối với những tài sản không kê khai trung thực hoặc không chứng minh được nguồn gốc một cách hợp lý, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, nên có một quy định về việc yêu cầu kê khai, công khai mức đóng thuế thu nhập cá nhân của quan chức.

Theo ĐB Hiếu, hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay, kể cả lương thưởng, buôn bán, trúng vé số đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập cá nhân hiện được quản lý khá khoa học, chính xác.

“Vậy tại sao chúng ta không có thêm quy định yêu cầu kê khai mức đóng thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị trí dễ có nguy cơ tham nhũng để người dân, các cơ quan chức năng có thể giám sát. Không có lý do gì mà một người một năm chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân có một vài triệu mà lại mua được nhà, mua được xe cả. Vì vậy, tôi rất mong muốn quản lý chặt vấn đề này” – ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

Trong khi đó, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) bày tỏ quan điểm đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN sửa đổi so với Luật hiện hành nhằm phù luật với bộ luật hình sự cũng như bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay, tránh tình trạng người lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để tham nhũng. Song ĐB này cũng đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra ngoài khu vực nhà nước.