Đấu tranh "tự diễn biến, tự chuyển hóa", để củng cố vững chắc niềm tin của dân với Đảng

ANTD.VN - “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” có tính chất hết sức phức tạp và đặc biệt nguy hiểm. Nó liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Trong 4 năm qua, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết vạch trần hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng, tạo chuyển biến rất quan trọng, tạo thế và lực mới cho Đảng Cộng sản Việt Nam - Thiếu tướng - PGS. TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định.

Đấu tranh "tự diễn biến, tự chuyển hóa", để củng cố vững chắc niềm tin của dân với Đảng ảnh 1PGS. TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

Sự suy thoái từ bên trong là cực kỳ nguy hiểm

Về bản chất của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, lần đầu tiên Đảng ta đã đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội XI năm 2011. Mặc dù đến nay chưa có công trình khoa học nào lý giải có sức thuyết phục về bản chất “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, song hiện tượng này đã diễn ra từ cuối thế kỷ 19, biểu hiện ở chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội. Những người cộng sản theo Chủ nghĩa Mác - Lê nin do tác động khách quan, chủ quan đã quay lưng lại, theo chủ nghĩa xét lại cải lương, cơ hội.  “Như vậy, về bản chất, những người đã tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản chuyển sang hệ tư tưởng khác đối lập với lý tưởng cộng sản, nghĩa là mục đích lý tưởng chính trị của những người trong cuộc (những người có trọng trách, có vai trò nhất định trong Đảng) đã thay đổi” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trong Đảng ta, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” xuất hiện trong các điều kiện lịch sử cụ thể. Giai đoạn từ 1945-1975 trong Đảng gần như không có khuynh hướng xét lại, cải lương, cơ hội. Đến giai đoạn từ 1975-1985 khuynh hướng này mới nhen nhóm nhưng cực kỳ cá biệt. Song từ  năm 1995, khi Liên Xô tan rã sụp đổ đã tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của một số Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa hữu khuynh phát triển trong Đảng.

Có thể nói, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người Đảng viên cộng sản, suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một bộ phận Đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường đi lên CNXH, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin…

Nói về tính nguy hiểm của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, nếu hiện tượng này diễn ra ở đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản là cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Nó liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đó cũng là nguyên nhân gây sụp đổ Đảng cộng sản Liên Xô. 

Niềm tin của người dân đối với Đảng được củng cố vững chắc

Về sự liên quan giữa cuộc đấu tranh chống tham nhũng và chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và sự tha hóa về tư tưởng, chính trị, về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên các cấp từ Trung ương đến địa phương về thực chất, đó là quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Song, nếu như những kẻ tham nhũng làm suy yếu chế độ, thì những kẻ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nắm quyền lực trong tay sẽ làm sụp đổ chế độ.

Do vậy, từ sau Đại hội XII, Đảng ta đã chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” mạnh mẽ, mang lại kết quả to lớn. Đảng ta đã kết hợp 2 cuộc đấu tranh song song lồng vào nhau. Đó là cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng lãng phí tiến với đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. “Nếu Đảng ta trong sạch hoàn toàn, không có tham nhũng lãng phí thì “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không có đất phát triển. Tệ nạn tham nhũng là mảnh đất tốt cho “tự diễn biến, tự chuyển hóa” sinh sôi” - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết. 

Cho ví dụ về nhận định trên, Thiếu tướng Lê Văn Cương dẫn chứng, sau Đại hội XII, Đảng ta với người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quyết tâm chính trị rất cao nhằm loại bỏ nạn tham nhũng, đẩy lùi “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Do đó, chỉ trong 3 năm, hàng chục cán bộ cấp cao kể cả Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng một số tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý nghiêm, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, Đảng đã có nhiều Nghị quyết vạch trần hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng, tạo thế lực mới cho Đảng. Điều này cũng chứng tỏ trong quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã trưởng thành thực sự. 

“Một Đảng lãnh đạo nếu không đủ mạnh sẽ không thể loại bỏ được quốc nạn tham nhũng, không thể chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Kết quả quan trọng nhất của các cuộc đấu tranh này phù hợp với nguyện vọng chính đáng của 5 triệu Đảng viên và trên 96 triệu dân. Có thể nói, chưa bao giờ, niềm tin của người dân đối với Đảng được củng cố vững chắc như vậy, tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam, đúng như Tổng Bí thư đã nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn như ngày nay” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Đấu tranh "tự diễn biến, tự chuyển hóa", để củng cố vững chắc niềm tin của dân với Đảng ảnh 2TTXVN