Đặt lợi ích và sự an toàn của mọi người dân lên trên hết

ANTD.VN - Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng - Tiến sỹ Luật học Đào Thanh Hải chia sẻ với phóng viên nhân dịp đầu xuân những trăn trở và nghĩ suy về trách nhiệm của một người đại biểu nhân dân khi tham gia công tác lập pháp của Quốc hội. 

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, 17 Nghị quyết, cho ý kiến về 10 Dự án luật, trong đó có nhiều luật được nhân dân quan tâm như: Bộ luật Lao động 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… 

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của một cán bộ trưởng thành từ người lính đến cương vị hiện tại là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội với bề dày 4 thập niên gắn bó với Công an Hà Nội, Thiếu tướng - Tiến sỹ Luật học Đào Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội luôn thấy mình cần phải có trách nhiệm chia sẻ thực tiễn trong quá trình xây dựng luật, bởi vì có gần gũi với thực tiễn thì từng dự luật sau khi ban hành, mới có thể đi vào cuộc sống, khả thi trong thực hiện. Những ý kiến tham gia đóng góp của ông có sự thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiều dự án luật.

Đặt lợi ích và sự an toàn của mọi người dân lên trên hết ảnh 1Thiếu tướng - Tiến sĩ Đào Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận Tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Lợi ích của nhân dân phải bảo vệ cho kỳ được

Đại biểu Đào Thanh Hải nhắc nhớ với phóng viên rằng, cách đây 60 năm, Bác Hồ ngày 24-4-1960 trong phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri Thủ đô, đã nói đến trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Người thay mặt các Đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào: “Những người được bầu cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Lời dạy của Bác cũng luôn là sự nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người đại biểu nhân dân hôm nay.

Bất cứ điều gì là lợi ích của nhân dân thì bảo vệ cho kỳ được. Bởi vậy, một trong những lĩnh vực Đại biểu Đào Thanh Hải luôn đau đáu và muốn thực hiện tốt là đảm bảo tốt đời sống dân sinh và bảo vệ nguồn nước sạch được ông coi là nhiệm vụ tối quan trọng của các cơ quan có trách nhiệm. Ông cho rằng, khi nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dẫn đến dịch bệnh và những vấn đề đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Khi phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Đại biểu Đào Thanh Hải thẳng thắn bày tỏ, sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà là vô cùng nghiêm trọng. Do đó, việc xây dựng Luật này phải bảo vệ được an ninh nguồn nước.

“Bộ Công an đã xây dựng chiến lược bảo vệ phòng chống khủng bố, xâm phạm an ninh nguồn nước. Tuy vậy, cần quy định rõ, nhiệm vụ bảo vệ an ninh nguồn nước ban đầu thuộc về ai, khi xảy ra sự cố thì xử lý trách nhiệm như thế nào? Đơn vị kinh doanh nước sạch mà không đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân cần bị xử lý thật nghiêm khắc, vì không khí, nước sạch là hai thứ mà con người không thể thiếu được, bắt buộc phải dùng hàng ngày”, Đại biểu Đào Thanh Hải nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Xây dựng sửa đổi, Đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng: “Đến thời điểm hiện tại chưa có quy định cụ thể bảo tồn các khu phố cổ như ở một số thành phố Hà Nội, Hội An, Huế. Trên địa bàn Hà Nội, người dân khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm sửa chữa nhà rất khó khăn. Có những ngôi nhà người dân phải sống trong cảnh mấy chục năm không có ánh sáng”. Cũng theo ông, để khắc phục tình trạng trên, cần sửa Luật theo hướng tạo điều kiện đảm bảo cuộc sống cho người dân, nhưng phải bảo tồn công trình cổ. Cơ quan chức năng có thể ban hành khung tiêu chuẩn, mẫu nhà để người dân tham khảo. Đại biểu Đào Thanh Hải còn chỉ ra bất cập khi chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh về bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội. Nhiều chủ công trình tìm cách phá hỏng biệt thự, để công trình bị đưa vào diện nguy hiểm cấp 3, sau đó đề nghị được đập bỏ để xây dựng lại.

Bên cạnh nội dung liên quan đến bảo vệ nguồn nước và bảo tồn các khu phố cổ, Đại biểu Đào Thanh Hải còn bày tỏ trăn trở đối với tình trạng ô nhiễm ở hai bờ sông Hồng. Ông thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong triển khai Luật Đê điều cần phải tháo gỡ, phải làm sao có chính sách cải tạo bờ sông, thì thành phố mới thay đổi bộ mặt thành phố an toàn, văn minh, hiện đại được.

Luật hóa việc cấp thị thực điện tử 

Đóng góp ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài, cũng bằng kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức đã được đào tạo bài bản và tâm huyết của một Tiến sỹ Luật học, Đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, việc luật hóa cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Theo ông, cần bỏ quy định “miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương, phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam 30 ngày”, để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Đại biểu Đào Thanh Hải cũng cho rằng, cần bổ sung một điều kiện để quyết định việc đơn phương miễn thị thực. “Theo quan điểm của Bộ Công an, chúng ta cần đối đẳng ngoại giao, với điều kiện quốc gia đó phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho người Việt Nam thì mới thực hiện theo”, Thiếu tướng - Tiến sỹ Luật học Đào Thanh Hải nói.

Tham góp ý kiến về việc sửa đổi ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời gian tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm, ông cho rằng, việc này nhằm khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, hoặc đầu tư vào lĩnh vực địa bàn ưu tiên, cần thời gian dài; đồng thời đề nghị phân loại các nhà đầu tư để phân biệt các nhà đầu tư chiến lược, có tính chất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.

Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống

Một vấn đề khác liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự mà Thiếu tướng - Tiến sỹ Luật học Đào Thanh Hải rất quan tâm, đó là vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Hàng năm, qua công tác tuần tra kiểm soát hành chính, lực lượng CATP Hà Nội đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và các loại vật liệu nổ, vũ khí “nóng”, góp phần ngăn chặn ngay từ trong “trứng nước” các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. 

Chính vì thế, khi Quốc hội bàn về một số nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 - Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thiếu tướng - Tiến sỹ Luật học Đào Thanh Hải cho biết: “Năm 2012, 2013 khi tôi đang là Trưởng phòng Hình sự CATP Hà Nội, thống kê Hà Nội mỗi tuần xảy ra một vụ nổ súng trên địa bàn, tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp”.

Sau khi có Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó quy định “các vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng thì coi như vũ khí quân dụng”, CATP Hà Nội đã vận dụng điều này để truy tố hàng loạt đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí tự chế. Từ đó kiểm soát được tình hình tội phạm sử dụng vũ khí tự chế, số vụ việc cũng giảm”, Đại biểu Đào Thanh Hải nhấn mạnh.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 - Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài…, đã được Quốc hội biểu quyết thông qua năm 2019 đều mang tính khả thi cao và sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Việc thực hiện lời hứa trước cử tri luôn được người đại biểu nhân dân đặt lên làm đầu. Lời Bác Hồ 60 năm trước hứa với đồng bào cả nước và cử tri Thủ đô có giá trị cho đến hôm nay, nhắc nhở mỗi người đại biểu cần nêu cao trách nhiệm trước dân, luôn đặt lợi ích và sự an toàn của mọi người dân lên trên hết” - Đại biểu Đào Thanh Hải nhấn mạnh.