Đại tướng Lê Đức Anh - vị tướng của chiến trường

ANTD.VN - Nói như vậy hoàn toàn không cường điệu khi biết rằng trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Lê Đức Anh nguyên Chủ tịch nước có đến 30 năm gắn với các chiến trường suốt từ Bắc vào Nam. Ông tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, ở chiến trường miền Nam 11 năm trong kháng chiến chống Mỹ (1964 -1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979-1986), tham gia ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986-1989).

Đại tướng Lê Đức Anh - vị tướng của chiến trường ảnh 1Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 đơn vị và 8 Huân chương Quân công hạng Nhất cho cán bộ, chiến sỹ và đại diện các gia đình có người thân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia

Người con của Huế gắn bó với Nam bộ

Sinh ra và lớn lên ở Huế, nhưng địa bàn hoạt động cách mạng đầu tiên của Đại tướng Lê Đức Anh lại ở miền Đông Nam bộ. Tại đây, ông lần lượt trải qua các chức vụ: Chính trị viên Chi đội Vệ quốc đoàn Thủ Dầu Một, Tham mưu trưởng khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu trưởng Khu 7, Phó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Nam bộ. 

Sau Hiệp định Geneva, ông tập kết ra Bắc, giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1963, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 2-1964, với quân hàm Đại tá, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam. 

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tình hình Khu 9 rất khó khăn. Địch tập trung điên cuồng đánh phá, lực lượng ta chịu nhiều tổn thất, nhiều vùng nông thôn bị mất… Trong bối cảnh đó, đồng chí Sáu Nam được Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền điều về làm Tư lệnh quân khu; đồng chí Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ) làm Bí thư Khu ủy.

Nhanh chóng nắm chắc địa bàn, nhận định rõ tình hình địch-ta, đồng chí Lê Đức Anh đã đưa ra một quyết định táo bạo, có tính đột phá: Để giành lại thế chủ động chiến trường, nhất định ta phải có cho được nhiều lực lượng tập trung. Lúc bấy giờ, trong nội bộ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9 cũng có ý kiến không tán thành với lập luận Đồng bằng sông Cửu Long không phù hợp cho việc xây dựng lực lượng tập trung cấp trung đoàn.

Thực tế diễn ra sau đó cho thấy, quyết định của đồng chí Lê Đức Anh là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Ta đã từng bước giành được thế chủ động, giữ được đất, mở rộng vùng giải phóng. Cuối năm 1974, đồng chí Lê Đức Anh được điều trở lại giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam và được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Dấu ấn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Lê Đức Anh, có những dấu mốc quan trọng mà Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam là một trong những thời khắc đáng nhớ nhất. Ngày 8-4-1975, trong cuộc họp đông đủ Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền, đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị cử vào đã phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, gồm có: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà và Trung tướng Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh. Riêng đồng chí Lê Đức Anh còn được cử kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía Tây - Tây Nam Sài Gòn.  

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Anh cùng chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam nhanh chóng triển khai kế hoạch đánh vào Sài Gòn. Trước ngày 20-4-1975, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, cánh quân hướng Tây - Tây Nam đã vào vị trí tập kết. Đến ngày 25-4 thì mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành.

Đúng 17h ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, các đơn vị của hướng Tây - Tây Nam như sư đoàn 3, 5, 9 và các trung đoàn độc lập… bắt đầu tiến công, rồi cùng các cánh quân khác nhanh chóng tiến về Sài Gòn. Đến 9h30 sáng 30-4, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu trước sức tiến công của quân ta và phong trào nổi dậy của nhân dân. Cả Sài Gòn - Gia Định trở thành một rừng cờ, biểu ngữ, hoa các loại vẫy chào quân giải phóng tiến vào.

Đại tướng Lê Đức Anh - vị tướng của chiến trường ảnh 2Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ nhất, tháng 11-1992 tại Hà Nội

Vị tướng trong thời bình

Hòa bình lập lại nhưng những người lính như Đại tướng Lê Đức Anh vẫn chưa thể được sống bình yên cùng gia đình và người thân. Tháng 5-1978, Trung tướng Lê Đức Anh được Trung ương Đảng điều động về giữ chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Vào thời điểm đó, phía bên kia biên giới, tập đoàn Khmer Đỏ đang ráo riết xây dựng thêm nhiều đơn vị mới để bổ sung vào số bị thương vong và đào ngũ để tiếp tục mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. 

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Trung tướng Lê Đức Anh cùng với Đảng ủy quân khu chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV về “Tình hình nhiệm vụ mới”. Nội dung chính của nghị quyết là xác định dứt khoát tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary là kẻ thù, chỉ rõ mặt mạnh yếu của địch, từ đó đề ra đường lối quân sự, phương châm chỉ đạo tác chiến của quân đội ta trong điều kiện mới. 

Từ chủ trương trên, đồng chí Lê Đức Anh cùng Bộ Tư lệnh quân khu chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng lực lượng vũ trang và thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch tại địa bàn nội địa; đồng thời kiên quyết đánh địch tập kích, thực hành phản công, kết hợp với tổ chức đón nhận, ổn định đời sống cho số nhân dân Campuchia chạy sang Việt Nam tị nạn và giúp bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng.

Tháng 6-1978, Lực lượng vũ trang Quân khu 7 tổ chức chiến dịch phản công dọc theo đường 7 sang bên kia biên giới, kết hợp tiến công quân sự, tiến công chính trị với binh vận nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy của Campuchia, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương nhanh chóng hoàn thành xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Trong quá trình diễn ra chiến dịch (từ 10-6 đến 30-7-1978), Tư lệnh Lê Đức Anh thường xuyên có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương quân khu, trực tiếp chỉ đạo xử lý các tình huống nảy sinh.  

Để thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang đang chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam, ngày 19-7-1978, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng tại phía Nam, trụ sở đặt trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tư lệnh Quân khu 7 Lê Đức Anh được chỉ định kiêm Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng. Ngày 18-5-1981, thực hiện Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia (ký ngày 18-2-1979), Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện (phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 719) do đồng chí Lê Đức Anh làm Tư lệnh. Năm 1980, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm Thượng tướng và đến năm 1984 là Đại tướng.

Nghiêm khắc nhưng giản dị và tình cảm

Là vị tướng chỉ huy nghiêm khắc nhưng Đại tướng Lê Đức Anh là người sống giản dị và hết sức tình cảm. Từ khi ra Hà Nội giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, rồi được bầu làm Chủ tịch nước, nhưng suốt bao năm qua ông vẫn sống và làm việc trong căn nhà công vụ. Từ đồ dùng trong nhà đến bữa ăn, quần áo mặc và nếp sinh hoạt hằng ngày của ông vẫn luôn thanh đạm như một người dân Việt bình thường. 

Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông luôn thấu hiểu những thứ người lính cần để có chính sách phù hợp. Dưới sự chỉ đạo của ông, doanh trại quân đội được xây dựng khang trang. Ngoài việc xây dựng doanh trại cấp trung, sư đoàn một cách căn bản, thì doanh trại của bộ tư lệnh cấp quân khu, quân chủng, binh chủng... cũng được đầu tư đúng tầm vóc. Những chính sách hậu phương quân đội cũng được ông đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện chu đáo.

Chiến tranh là thử thách cao nhất đối với con người. Nhưng chính những thử thách nghiệt ngã của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và sự rèn luyện tự giác của bản thân đã hun đúc nên con người Đại tướng Lê Đức Anh - một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Quân đội, của Đảng và Nhà nước ta. Đó là vị tướng của chiến trường với thực tiễn chiến tranh cực kỳ sâu sắc, có những quyết đoán táo bạo và tư duy chiến lược sắc sảo.

Tin cùng chuyên mục